Dòng sự kiện:
Bao giờ người dân được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện?
11/06/2023 13:11:45
Việc hướng đến thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nơi EVN không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện là con đường phải đi. Song, còn rất nhiều thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Chờ sau 2024 Việt Nam có thị trường bán lẻ điện?

Tính đến nay, thị trường điện tại Việt Nam đã trải qua hai cấp độ là phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và đang trong giai đoạn triển khai cấp độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trong đó, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012. Từ 1/1/2019 đến nay, thị trường điện tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết, chuẩn bị để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tháng 8/2020 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2093/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tại quyết định này, Bộ Công Thương dự kiến từ sau năm 2024, khách hàng được lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện.

Việt Nam đã có thị trường bán buôn điện cạnh tranh, chờ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành.

Song, trước khi có thị trường bán lẻ cạnh tranh thì phải hoàn thiện thị trường bán buôn cạnh tranh, do thị trường này là đầu vào của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Mặt khác, theo Bộ Công Thương, phải cải cách về giá bán lẻ điện, trong đó phải xóa bỏ bù chéo và tách độc lập các khoản trợ giá điện, giá bán lẻ điện phải phán ánh đúng chi phí theo từng nhóm đối tượng khách hàng cũng như khu vực địa lý.

Bên cạnh đó, cần ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý cho việc vận hành thị trường và việc thực hiện xác định minh bạch các thành phần chi phí cấu thành nên giá bán lẻ điện bao gồm chi phí ở các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, dịch vụ phụ trợ...

Ngoài ra, cần thực hiện công tác tái cơ cấu triệt để ngành điện theo hướng tách bạch rõ ràng các hoạt động mang tính độc quyền tự nhiên bao gồm: hoạt động truyền tải, phân phối, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện với các hoạt động mang tính cạnh tranh (mua buôn, bán lẻ điện).

Theo đó, trong thị trường bán lẻ điện thì đơn vị phân phối chỉ cung cấp dịch vụ phân phối cho các đơn vị bán lẻ và khách hàng sử dụng điện. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện bắt buộc phải độc lập với bên mua và bên bán trên thị trường, nhằm đảm bảo thị trường bán buôn điện vận hành hiệu quả, minh bạch, không phân biệt đối xử, tạo hậu thuẫn vững chắc cho thị trường bán lẻ điện.

Tại đề án tái cơ cấu này, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo thiết kế đã được phê duyệt; hoàn thành các công tác chuẩn bị về pháp lý, cơ sở hạ tầng, triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trong đó, thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện từ nay đến năm 2025; nghiên cứu và thực hiện tách bạch hoạt động phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) với hoạt động kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh) nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực điện lực.

Về phân phối bán lẻ, EVN bán cho 92% khách hàng toàn quốc, 8% khách hàng còn lại là 900 các hợp tác xã, các công ty cổ phần và các DN khác.

Quan trọng là giá bán lẻ

Song để có thể triển khai được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, ngành điện Việt Nam còn rất nhiều thách thức phải giải quyết. Trước mắt, cần hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Trong một báo cáo của EVN, đơn vị này cho biết: Đối với thị trường bán buôn điện, tính đến nay, chỉ có gần 39,4% công suất đặt trực tiếp tham gia thị trường điện, thậm chí còn thấp hơn thời điểm thị trường điện bắt đầu vận hành từ 1/7/2012. Thị trường điện về bản chất vẫn là chỉ một người mua với tỷ trọng tham gia thị trường điện thấp.

Hồi tháng 5/2023, EVN cũng kiến nghị khách hàng đấu nối lưới cấp điện áp 110kV trở lên phải trực tiếp mua điện trên thị trường điện. Nếu được chấp thuận, EVN sẽ không còn là người mua duy nhất trên thị trường điện.

Bên cạnh đó, dù cạnh tranh đã đưa vào khâu phát điện từ 2012 nhưng việc điều chỉnh giá bán lẻ theo cơ chế thị trường vẫn chưa đạt được. Do vậy, đề án tái cơ cấu ngành Công Thương cũng đặt ra nhiệm vụ “cải cách giá bán lẻ điện phù hợp với các cấp độ thị trường điện, đồng bộ với giá phát điện, bán buôn điện, sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm”.

Dẫn kinh nghiệm từ các quốc gia, Bộ Công Thương cho rằng: Cơ chế cơ bản và quan trọng nhất để đảm bảo cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh của các quốc gia trên hoạt động hiệu quả là các nước này đều cho phép từng đơn vị bán lẻ điện có quyền quyết định giá bán lẻ. Giá bán lẻ điện phải được tính toán đảm bảo sự đầy đủ, đồng bộ và liên thông với các yếu tố đầu vào cấu thành nên giá bán lẻ điện.

Đây cũng là yếu tố quan trọng cho việc hình thành các đơn vị bán lẻ điện mới để tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường bán lẻ điện.

Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy nhanh các công tác có liên quan để sớm đưa vào vận hành thí điểm và nhân rộng mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được phê duyệt tại Quyết định số 2093/QĐ-BCT.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng thành công và hiệu quả thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là nhiệm vụ lớn cần có sự phối hợp, quyết tâm của nhiều cơ quan liên quan. Đặc biệt là vấn đề thực hiện công tác tái cơ cấu các khâu trong ngành điện do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì và nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vận hành thị trường điện đã được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho EVN thực hiện tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg.

Tác giả: Lương Bằng

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến