Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, ước tính Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ chi 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19. Doanh nghiệp cũng sẽ được miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng một năm để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam để làm rõ hơn về đối tượng hưởng thị và phương thức chi trả hỗ trợ đối với người lao động.
13 triệu lao động được hưởng lợi
Xin ông cho biết rõ hơn về các đối tượng thụ hưởng của gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp?
Ông Lê Hùng Sơn: Đối tượng thụ hưởng của Quỹ là những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (trừ các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên) và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2020 tới hết 30/9/2021, thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đối với người sử dụng lao động là các doanh nghiệp đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Số lượng người lao động và doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ lần này là khoảng bao nhiêu, thưa ông?
Ông Lê Hùng Sơn: Hiện có khoảng gần 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên trừ đi khoảng gần 2 triệu người lao động thuộc các đối tượng không được nhận chính sách hỗ trợ như tôi đã nói ở trên thì sẽ có khoảng gần 13 triệu người lao động và 38.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này.
Trong đó, người lao động sẽ được hưởng từ 1,8-3,3 triệu đồng tùy theo thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ 1% xuống 0% sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Hùng Sơn: Với 38.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng thì số tiền dự kiến sẽ là trên 8.000 tỷ đồng. Với số tiền giảm đóng này, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp cho người lao động, đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Doanh nghiệp giống như một cây xanh, khi được chăm sóc tốt sẽ tạo ra quả ngọt để cả doanh nghiệp và người lao động cùng được hưởng.
Đối với những người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động thì có nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ này hay không, thưa ông?
Ông Lê Hùng Sơn: Người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 vẫn được hưởng chính sách.
Đến nay, số người lao động tạm dừng, tạm hoãn hợp đồng lao động đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 2,5 triệu người.
Chi trả chỉ trong 1,5 tháng
Xin ông chia sẻ thủ tục hưởng gói hỗ trợ này được thực hiện như thế nào?
Ông Lê Hùng Sơn: Với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ có liên quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã dự kiến các quy trình thủ tục để triển khai gói hỗ trợ trên tinh thần quán triệt quan điểm đảm bảo triển khai các bước hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất.
Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đối với 38.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 01/10/21 đến 30/9/22) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hàng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó chúng tôi sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.
Đối với 13 triệu người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp và xác định thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tất cả các thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dự liệu công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phương hướng chi trả cho người lao động sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Hùng Sơn: Đối với người lao động hiện đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, chúng tôi sẽ chi trả qua tài khoản cá nhân. Bởi hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc chi trả chính sách hỗ trợ cho người lao động qua tài khoản vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch COVID-19, tránh tiếp xúc trực tiếp.
Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản cá nhân; còn với những thông tin liên quan đến nhân thân cá nhân như số chứng minh nhân dân/căn cước công dân và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ in sẵn ra để người lao động đối soát.
Một số trường hợp đặc biệt khi người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả qua doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời và minh bạch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất.
Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2020 đến nay, những người lao động đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện nơi cư trú sẵn sàng tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của người lao động, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Nghị quyết 116 của Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ này trong 3 tháng (từ 1/10/2021 đến 31/12/2021) tuy nhiên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đặt ra quyết tâm hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ chỉ trong 1,5 tháng. Vậy ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tiến độ chi trả hỗ trợ này như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Hùng Sơn: Ngay sau khi Nghị quyết số 116 của Chính phủ được ban hành, với nền tảng công nghệ thông tin của Ngành, Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và bảo hiểm xã hội các địa phương sẵn sàng về nguồn dữ liệu để xác định các đối tượng cũng như mức hưởng; về lực lượng, con người, nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ.
Tôi cho rằng dự kiến tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là khả thi. Thậm chí, về phía ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo sẽ cố gắng hoàn thành sớm hơn nếu như doanh nghiệp và người lao động tích cực phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Về phía bảo hiểm xã hội Việt Nam công tác triển khai đã sẵn sàng, nhưng có khó khăn nhất định là khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đang tản mạn về các địa phương. Chính vì thế sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, cấp uỷ các chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ chủ động đến với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện là rất quan trọng. Đây là nhân tố quyết định việc có hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ đúng tiến độ hay không.
Xin cảm ơn ông.
Tác giả: Hồng Kiều
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy