Tin liên quan
Đó là một trong những vần đề nóng được đưa ra bàn luận tại buổi Đối thoại chính sách “Hướng tới một hệ thống BHXH dễ tiếp cận, minh bạch, bền vững” do Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển RED tổ chức mới đây.
Dân số già vào năm 2017 và nguy cơ vỡ quỹ lương hưu
Theo thạc sĩ Đoàn Thị Thu Hương – giảng viên khoa Bảo hiểm - Ngân hàng (Học viện Tài chính), tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang phát triển nhanh hơn so với dự báo.
Nếu như năm 2012, khoảng 11 người dân mới có một người cao tuổi (60 tuổi trở lên – PV) thì ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 người cao tuổi và năm 2049 tỉ lệ này sẽ là 4 người dân sẽ có 1 người cao tuổi.
Kết quả điều tra dân số năm 2011 cho biết: tỉ lệ người cao tuổi từ 60 trở lên của VN đã là 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số. Theo quy định, nếu nhóm người 60 tuổi trở lên chiếm 10% dân số thì quốc gia đó đang “già hóa dân số”, nếu tỉ lệ này tiến đến 20% thì gọi là “dân số già”.
Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, theo dự báo năm 2017 Việt Nam chính thức bước vào tình trạng dân số già.
Theo bà Hương, tốc độ già hóa dân số của VN diễn ra trong bối cảnh mức thu nhập bình quân thấp dẫn đến nghịch lý “chưa giàu đã già” và tạo ra một áp lực lớn cho hệ thống an sinh xã hội trong đó có bảo hiểm xã hội.
Tình trạng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam đang đe dọa mất cân đối giữa nguồn quỹ BHXH và quyền lợi thụ hưởng BHXH, đe dọa sự an toàn của quỹ BHXH, khả năng vỡ quỹ có thể xảy ra.
Mặt khác, hoạt động của ngành bảo hiểm thời gian qua tuy có tăng trưởng nhưng vấn chưa thu được kết quả như ý.
Cũng theo bà Hương, tuy số lượng người tham gia BHXH có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua nhưng diện bao phủ của BHXH vẫn ở mức thấp.
Thực tế hiện nay, mới thu hút được 70% số lượng người tham gia BHXH bắt buộc. Trong số đó, chỉ có 21,4% đối tượng đóng BHXH bắt buộc nằm trong độ tuổi lao động (số liệu 2014).
Bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) thì cho rằng một nguyên nhân lớn khiến cho quỹ BHXH hiện nay chưa vững chắc là do chúng ta chưa thu hút được nhóm đối tượng lao động phi chính thức tham gia.
Bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) (ảnh: D.C)
Đây là nhóm lao động tự do hoặc trong khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ với thu nhập thấp, địa bàn hoạt động không cố định và thiếu thông tin về các chính sách chế độ bảo hiểm.
TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh (Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam) cung cấp một nghịch lý về nhóm lao động phi chính thức tại Việt Nam hiện nay như sau:
“Chúng ta đang có 63% lao động phi chính thức trong tổng số lực lượng lao động (số liệu Tổng cục Thống kê 2014). Nhóm lao động này chiếm hơn 70% số giờ lao động và đóng góp hơn 20% GDP của cả nước. Tuy nhiên theo điều tra của Viện Phát triển Cộng động Ánh sáng – LIGHT đối với nhóm đối tượng này thì chỉ có 25,2% cho là cần thiết tham gia BHXH tự nguyện”.
Theo phân tích của bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội), “với chính sách hiện hành và không có cải cách, quỹ BHXH của Việt Nam không bền vững, vì theo tính toán của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và WB nhất trí với kết quả tính toán này, quỹ BHXH sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và sẽ cạn vốn năm 2034”.
Chúng ta nên làm gì?
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh (Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam) cho rằng để giải quyết vấn đề này cần tập trung làm tăng diện bao phủ của BHXH và giảm số lao động phi chính thức không tham gia BHXH, muốn vậy cần đẩy mạnh cải cách hình thức thủ tục chính sách BHXH để thu hút các đối tượng tham gia ngày càng nhiều hơn.
Bà Thúy Nga đưa ra 2 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp về chính sách, bà khuyến cáo: “cần khéo léo trong thiết kế hệ thống an sinh xã hội, tương quan với các chính sách bảo trợ xã hội cho người cao tuổi”.
Hiện tại, Luật BHXH 2014 đã có một số cải cách đáng ghi nhận như không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, linh hoạt trong phương thức đóng (1 năm 1 lần, 1 lần cho nhiều năm..), hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH giúp người dân có thêm lựa chọn mức đóng…
Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện, bà nhấn mạnh cần đơn giản về thủ tục cho người tham gia BHXH, dễ dàng thay đổi, hiện đại trong công tác quản lý và đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông đến người lao động để họ ý thức được quyền lợi của mình khi tham gia BHXH.
Bà Quỳnh cũng đề nghị Chính phủ nên có chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm lao động phi chính thức, khi về già không được hưởng lương hưu do không tham gia BHXH bắt buộc. Có thể là gói hỗ trợ cho gia đình hoặc là gói hỗ trợ đồng đóng góp.
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Luật BHXH nhằm tránh nguy cơ mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, dự thảo đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng cho đến khi tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ bằng nhau là 62 tuổi; đồng thời nâng thêm 5 tuổi đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động; tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Diệp Chi
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy