Dòng sự kiện:
Bao nhiêu chương trình của VTV đã được cấp phép?
02/04/2015 08:55:17
ANTT.VN – Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son các đài phát thanh, truyền hình đều được cấp phép, đặc biệt là VTV đã có 168 giấy phép, tức là rất tạo điều kiện cho các đài. Nhưng vừa qua, VTV có sai phạm, như phát sóng khi chưa có giấy phép, thì phải xử phạt.

Tin liên quan

Vừa qua VTVcó phản ánh Bộ TT&TT ban hành Thông tư 19 cách đây 6 năm là trái luật, có ảnh hưởng đến các đài truyền hình. Xin cho biết quan điểm về vấn đề này? Và Bộ đã cấp phép cho bao nhiêu chương trình liên kết của VTV?

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn cho biết, để quản lý Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực báo chí nói riêng, các cơ quan Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định các bộ ban hành thông tư. Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai theo đúng quy định tại Luật này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son

Ngày 11/10/2006, để lập lại trật tự trong lĩnh vực báo chí, Bộ Chính trị có thông báo kết luận số 41 về công tác báo chí, trong đó chỉ rõ các giải pháp, khẳng định không có báo chí tư nhân, không để tư nhân núp bóng báo chí. Thông báo kết luận ghi rõ, xử lý nghiêm các báo vi phạm chủ trương, đường lối chính sách của Nhà nước, để tư nhân núp bóng liên doanh, liên kết bất hợp pháp. Thông báo cũng giao Chính phủ quy hoạch báo chí.

Thông tư 19 năm 2009 triển khai nội dung chỉ đạo này để báo chí thực hiện hoạt động liên kết tốt hơn. Điều 1 Luật Báo chí hiện hành ghi rất rõ, báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Như vậy, doanh nghiệp không có báo chí, trước đây một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có báo chí, do một số cơ quan Nhà nước chuyển thành doanh nghiệp nên vẫn có báo chí. Ví dụ trước đây báo VietNamNet thuộc doanh nghiệp, sau đó chuyển về Bộ TT&TT, đài VTC trước thuộc doanh nghiệp cũng đã về Bộ. Tuy nhiên, trước đây đã có hoạt động liên kết tự phát để tư nhân núp bóng báo chí.

Đến năm 2007, Bộ TT&TT ra đời. Dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT đánh giá lại tình hình hoạt động báo chí nói chung và hoạt động liên kết nói riêng, xây dựng hành lang cho hoạt động liên kết này để quản lý chặt chẽ. Việc liên kết là cần để huy động nguồn lực xã hội về tài chính và nhân lực nhưng chỉ liên kết trong các chương trình giải trí, chứ không được liên kết trong chương trình chính trị, xã hội. Luật Xuất bản cũng nói rõ chỉ liên kết khai thác bản thảo, biên tập sơ bộ bản thảo, in và phát hành xuất bản phẩm, còn bản hoàn chỉnh vẫn phải do nhà xuất bản phê duyệt; đối với tác phẩm, tài liệu có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết biên tập sơ bộ bản thảo. Còn với báo chí thì chưa có quy định này nên phải có quy định dưới luật để điều chỉnh. Dự kiến trong tháng 6 tới đây, Bộ sẽ trình Chính phủ Luật Báo chí mới và trong tháng 10 sẽ trình Quốc hội. Trong khi chưa có luật quy định thì Ban Bí thư, Chính phủ yêu cầu phải có quy định, chế tài.

Trên cơ sở đó, VPCP có văn bản thông báo ý kiến Thủ tướng giao Bộ TT&TT xây dựng, trình Thủ tướng quy chế về liên kết. Và sau đó, Bộ TT&TT có 2 tờ trình báo cáo Thủ tướng.

Để xây dựng Thông tư này thì phải xin ý kiến các bộ, ngành. Bộ Tư pháp khẳng định Bộ TT&TT xây dựng văn bản này đúng quy định, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đã lấy ý kiến Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh…, tiếp thu giải trình các vấn đề khác nhau.

Thông tư 19 được ban hành theo đúng quy định và đang có hiệu lực thi hành.

Gần đây, để tạo điều kiện cho một số đơn vị sự nghiệp, Nghị định 16 năm 2015 cũng ghi rõ tại điểm c, mục 2 Điều 5, việc liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội phải theo quy định của pháp luật. Tất cả các đài phát thanh, truyền hình đều phải thực hiện quy định này. Thông tư 19 đã tạo hành lang cho hoạt động liên kết, nhiều chương trình liên kết đã góp phần tạo nguồn thu cho các đơn vị. Vừa qua cơ bản chúng ta đã thực hiện tốt, bên cạnh đó có việc chưa thực hiện tốt, phải có chế tài. Các đài khi có vi phạm thì Bộ TT&TT căn cứ quy định hiện hành để xử lý.

Về câu hỏi thứ hai của phóng viên, thì các đài phát thanh, truyền hình đều được cấp phép, đặc biệt là VTV đã có 168 giấy phép, tức là rất tạo điều kiện cho các đài. Nhưng vừa qua, VTV có sai phạm, như phát sóng khi chưa có giấy phép, thì phải xử phạt. Chính phủ đã chuyển Bộ Tư pháp xem xét. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định trong quá trình các cơ quan Nhà nước xem xét thì Thông tư vẫn có hiệu lực.

Mỗi văn bản quy phạm pháp luật đều có tính lịch sử, việc sửa đổi cũng là cần thiết. Hiến pháp Việt Nam đã qua 4 lần sửa đổi, Luật BHXH mới chưa có hiệu lực mà có điều bất cập thì cũng có thể sửa. Nếu Thông tư 19 có điểm không còn phù hợp thì cũng phải sửa. Còn sửa theo hướng nào, xin công bố cho các đồng chí biết.

VietNam Idol 2015 bị tạm ngừng phát sóng

Mới đây, Bộ Chính trị đã có 2 thông báo kết luận, khẳng định trong tình hình hiện nay thì phải đặc biệt quản lý chặt công cụ quan trọng này, không để tự phát phát triển, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí, không để lợi ích nhóm chi phối, báo chí không cần nhiều nhưng phải tinh, chất lượng.

Vấn đề tự chủ tài chính đối với báo chí cân nhắc cho phù hợp trên cơ sở phân định rõ báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, báo chí thông tin tuyên truyền với nhiệm vụ giải trí thương mại. Như vậy, báo chí của chúng ta phải tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan báo chí chủ lực như VTV, VOV, TTXVN… phải làm tốt nhiệm vụ chính trị, bên cạnh đó cung cấp các các chương trình giải trí… nhưng nhiệm vụ chính trị là nhiệm vụ trọng tâm.

Chính phủ nghiên cứu quy định tự chủ về tài chính với một số báo còn lại theo hướng Nhà nước không bao cấp hết, khuyến khích các cơ quan làm tốt, lành mạnh, tự chủ tài chính nhưng không buông lỏng quyền chỉ đạo, quản lý. Như vậy, chúng ta được tự chủ tài chính nhưng nội dung thì không buông lỏng quản lý.

Đối với các đài quốc gia như VTV, VOV cần phải quản lý thống nhất chặt chẽ các khâu sản xuất nội dung chương trình, truyền dẫn phát sóng, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Nghị định 16 năm 2015 vừa qua cũng ghi rõ nội dung này.

Thông báo kết luận ngày 18/11/2014 của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ định hướng là không có báo chí tư nhân nhưng trong hoạt động báo chí có liên kết với tư nhân thì phải định hướng, chỉ đạo, quản lý, đây là vấn đề rất quan trọng phải làm rõ.

Với tinh thần này, Thông tư 19 sẽ có một số vấn đề được sửa đổi bổ sung theo tinh thần chặt chẽ hơn, bảo đảm thu hút nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các đài sản xuất các chương trình phong phú hơn nhưng chặt chẽ hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ TT&TT ra Thông tư này, không phải tạo khó khăn mà tạo thuận lợi cho các đài, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động liên kết.

PV

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến