Dòng sự kiện:
Bao nhiêu ngân hàng sẽ 'tốt nghiệp' Basel II?
17/07/2019 10:01:54
Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngày 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II.

Tuy nhiên, trong số 10 ngân hàng được thí điểm, vẫn còn nhà băng đang chạy đua với thời gian. 

Nhà băng lớn gặp khó

Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm Vietcombank (VCB), VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.

Ban đầu, thời hạn cho giai đoạn thí điểm được ấn định từ tháng 2/2016 đến cuối năm 2018 và giai đoạn 2 tính đến năm 2020. Tuy nhiên, do việc nâng vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi về năm 2020. Thế nhưng, đến nay, mới có VCB, VIB, MB, ACB, VPBank, Techcombank, MSB và 2 ngân hàng khác nằm ngoài danh sách thí điểm là OCB, TPBank hoàn tất việc áp chuẩn Basel II.

Như vậy, Vietinbank, BIDV, Sacombank vẫn đang chạy đua với thời gian trước khi năm 2020 bắt đầu. Ðáng chú ý, VietinBank và BIDV đang gặp khó trong quá trình tăng thêm vốn điều lệ, bởi giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (room) tại VietinBank đã được lấp đầy. Theo ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch VietinBank, việc tăng vốn là đặc biệt cấp bách. Tại Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên 2019, VietinBank đã xin chia cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn 2017 - 2020, đồng thời xây dựng phương án tăng vốn và đã được NHNN báo cáo Chính phủ.

Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được Ngân hàng khai thác tối đa và chạm trần giới hạn theo các quy định của pháp luật.

Trong khi đó, BIDV đặt kỳ vọng vào thương vụ bán vốn cho cổ đông nước ngoài để tăng năng lực tài chính, chạm tới quy chuẩn Basel II. Thực tế cho thấy, kể từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng liên tục đưa ra nhiều phương án tăng vốn điều lệ, nhưng chưa năm nào thực hiện được. Cuối năm 2018, BIDV trình xin cổ đông thông qua việc bán 17,65% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài là Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc.

Nếu trong năm nay, BIDV bán vốn thành công cho KEB Hana Bank, Ngân hàng sẽ nâng tổng vốn điều lệ từ hơn 34.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng. Ngân hàng KEB Hana sẽ nắm 15% vốn điều lệ của BIDV và tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước cũng sẽ giảm từ 95% xuống còn 80,99%.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc bán vốn thành công cho nhà đầu tư ngoại sẽ giúp BIDV thoát khỏi “giới hạn đỏ” quy định về tăng vốn và tăng cường năng lực tài chính. Ngoài ra, số tiền thu về từ đợt phát hành sẽ giúp Ngân hàng đầu tư vào các mảng hoạt động tín dụng, cơ sở vật chất...

Với sự tham gia của cổ đông chiến lược này, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, BIDV có thể có thêm lợi thế trong việc khai thác phân khúc bán lẻ, nhất là thông qua lĩnh vực FinTech và ngân hàng điện tử.

Tại Sacombank, nhà băng này đang trong quá trình tái cơ cấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu sau sáp nhập thêm SouthernBank, song theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 2/2020.

Ngân hàng nhỏ sẽ ra sao?

Theo tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% về mặt số học so với của Basel I, nhưng việc tính toán lại phức tạp hơn. Theo NHNN, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%). Trong đó, CAR của khối ngân hàng quốc doanh là 9,4%, khối ngân hàng thương mại cổ phần là hơn 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng được đánh giá sẽ tiếp tục giảm nếu tính theo công thức mới.

Với việc đáp ứng chuẩn mực Basel II, các nhà băng sẽ nhận được cơ chế “thoáng” hơn về room tín dụng. Thực tế, tăng trưởng tín dụng đang được xem như một nút thắt trong mục tiêu phát triển và gia tăng lợi nhuận với nhiều ngân hàng hiện nay.

Hiện tại, một số ngân hàng đang có những bước đi cuối cùng để được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II. Cụ thể, tại ÐHCÐ thường niên 2019 vừa diễn ra, ông Nguyễn Hữu Ðặng, Tổng giám đốc HDBank cho biết, Ngân hàng đã nộp hồ sơ xin áp dụng chuẩn Basel II trước thời hạn từ tháng 1/2019. Với tiến độ hiện nay, chậm nhất trong năm nay, HDBank sẽ được NHNN đồng ý cho áp dụng trước hạn.

Hay tại VietBank, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Nhung cho biết, Ngân hàng sẽ nộp hồ sơ lên NHNN để xin áp dụng chuẩn Basel II. Các nhà băng như ABBank, Kienlongbank, BacA Bank, NCB, Viet Capital Bank, Nam A Bank cũng đang kỳ vọng sớm hoàn tất Basel II.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ chia sẻ, Basel II là bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình, mà còn chứa đựng việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường. Tuân thủ theo Basel II là ngân hàng đã được thừa nhận đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, các nhà băng nhỏ khó tăng vốn điều lệ thì mong muốn hoàn tất Basel II không phải là chuyện dễ dàng thực hiện được.

Ngay sau khi được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, để đạt được thành công này, Ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, thực thi Basel II. Ðồng thời, TPBank tham gia tích cực các nội dung của NHNN và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai cho các ngân hàng thực thi Basel II như: Tính toán tác động định lượng, thực hiện báo cáo định kỳ triển khai Basel II, tham gia chương trình đào tạo do NHNN và các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tổ chức trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel II đó là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu để nâng cao hệ số CAR.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Bùi Quang Tín, lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, cải thiện sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. Song các nhà băng nhỏ rất khó có thể một sớm một chiều đáp ứng được các tiêu chuẩn của Basel II.

Trong khi đó, mục tiêu Chính phủ đề ra là các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên. Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt. Vì thế, các nhà băng đang phải chạy đua thời gian để sớm “tốt nghiệp” Basel II.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến