Tin liên quan
Một ví dụ điển hình là Bảo tàng Hà Nội được khánh thành vào dịp 1000 năm Thăng long Hà Nội (2010) với tổng kinh phí quyết toán 1.697 tỉ đồng (số liệu công bố tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 25/8/2015) nhưng sau 5 năm, vẫn chỉ trưng bày tạm, cầm chừng, chưa đi vào hoạt động thực sự.
Bảo tàng Hà Nội (ảnh: Diệp Chi)
Bảo tàng Quảng Ninh được đầu tư kinh phí hơn 900 tỉ, và mặc dù được giải thưởng kiến trúc, nhưng công trình này vẫn gần như rỗng ruột.
Bảo tàng Quảng Ninh - một công trình kiến trúc đẹp nhưng hiệu quả về mặt bảo tàng thấp
Một số bảo tàng địa phương như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương có hoàn cảnh tương tự: làm cả chục năm mà vẫn chưa trưng bày xong.
“Nóng” nhất hiện nay là công trình “siêu bảo tàng”: Bảo tàng lịch sử quốc gia với kinh phí hơn 11.000 tỉ đồng vừa được Chính phủ phê duyệt và sẽ khởi công vào năm 2021.
Trước thực trạng như trên, người dân có lý do để tiếp tục quan ngại: liệu siêu bảo tàng có làm nên bước đột phá hay lại chịu chung cảnh đìu hiu hoặc đắp chiếu như số phận các bảo tàng xây trước nó?
Vì sao chúng ta đã đầu tư lớn cho hệ thống bảo tàng trong nước mà chưa thu được hiệu quả tương xứng?
Bảo tàng có vỏ đẹp mà ruột rỗng
Chúng tôi đem câu này đi hỏi nhà sử học Dương Trung Quốc – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Dương Trung Quốc nhận định: “Hệ thống bảo tàng trong nước hiện nay tưởng nhiều nhưng thực chất rất thiếu. Thiếu những bảo tàng đúng công năng và hoạt động hiệu quả. Lý do lớn nhất là trong xây dựng có vấn đề”.
Cụ thể như Bảo tàng Hà Nội và hiện tại là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đều là công trình do Bộ Xây dựng quản lý, Bộ Văn hóa không được tham gia vào khâu xây dựng dẫn đến phần xây dựng cơ bản và nội dung trưng bày “vênh nhau”. Thậm chí như Bảo tàng Hà Nội khánh thành để “đối phó” sự kiện 1000 năm Thăng Long trong khi phần nội dung chưa được chuẩn bị kỹ.
Có chung quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên) trong một lần trả lời báo chí cũng từng nhận xét: Nhiều bảo tàng đang được xây theo quy trình ngược. Xây “vỏ” trước rồi quyết định “ruột’ sau, trong khi đáng lẽ phải làm ngược lại.
Ông Huy cho rằng việc ngành xây dựng làm chủ đầu tư các bảo tàng rồi thuê ngành văn hóa thi công phần trưng bày đã đẩy ngành văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng ra ngoài việc hình thành nên thiết chế máu thịt của mình.
Vì ngoài chuyện chi phí xây dựng cơ bản choán hết đầu tư, lấn át phần đầu tư nội dung còn có chuyện bên xây dựng cũng cầm trịch luôn việc làm nội dung. Ngành văn hóa khi đó bị đi làm thuê ngay trên địa hạt của mình.
Đây cũng là lý do mà các bảo tàng luôn bị mang tiếng là nghìn tỉ sao vẫn vắng khách. Chính ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội – trong khi trả lời phóng viên ANTT.VN cũng phải thốt lên: “Chúng ta đang hiểu lầm lớn, cứ nói bảo tàng mấy nghìn tỉ, nhưng mấy nghìn tỉ đây là mấy nghìn tỉ của cả công trình xây dựng chứ không phải riêng phần bảo tàng”.
Chính vì giữa hai ngành Xây dựng và Văn hóa có sự phối hợp chưa hợp lý đã dẫn đến nghịch lý: nhiều bảo tàng xây xong rất đẹp nhưng hiện vật sơ sài, èo uột, vừa “trưng bày tạm” vừa đón khách.
Tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội hôm 25/8 vừa rồi, khi nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc tại sao Bảo tàng Hà Nội tầm cỡ khu vực nhưng lượng du khách đến tham quan không ổn định, Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội giải thích: “Bảo tàng mới khánh thành, đã có gì đâu mà hấp dẫn khách”. Mặc dù tính đến nay, Bảo tàng Hà Nội đã khánh thành được chẵn 5 năm.
Trưng bày thiếu tính sáng tạo, ít không gian trải nghiệm
Lâu nay chúng ta vẫn đổ tại người dân không mặn mà với bảo tàng. Vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, trong khi các bảo tàng thưa thớt khách, thậm chí vắng như chùa Bà Đanh thì các trung tâm thương mại, khu vui chơi mua sắm luôn chật cứng người.
Soi chiếu từ thói quen khi đi du lịch cũng thấy rõ điều này. Trong khi người Việt Nam ra nước ngoài thường chăm chăm đến các khu vui chơi hay mua sắm giảm giá thì người nước ngoài đến Việt Nam thường rất quan tâm đến bảo tàng và các di tích lịch sử văn hóa khác.
Ngoài lý do về mức sống dẫn đến sự khác biệt (chúng ta trải qua thời gian chiến tranh kéo dài, mới mở cửa, người dân vẫn chưa thoát khỏi gánh nặng vật chất; trong khi các nước phát triển đã ổn định và đang có nhu cầu văn hóa tinh thần nhiều hơn), cũng phải thừa nhận bảo tàng của Việt Nam phần lớn chưa sáng tạo, chưa hấp dẫn.
Trong một lần ghé thăm Bảo tàng Hà Nội, mặc dù bảo tàng này đang mở cửa miễn phí nhưng chúng tôi nhận thấy đa số khách đang tham quan là người nước ngoài, chỉ có vài ba người Việt Nam.
Tôi tiến đến hỏi 1 người Việt Nam vì sao bạn đến đây và bạn nhận xét thế nào. Bạn giới thiệu là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa Hà Nội, sở dĩ có mặt ở đây là vì “Đang chờ bạn, không có việc gì nên ghé vào bảo tàng xem có gì không?”. Bạn sinh viên này nhận xét: “Em chỉ thấy có treo ảnh hình và trưng bày một số hiện vật sơ sài, nói chung không có gì đặc biệt hấp dẫn cả”.
Tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam, theo quan sát của chúng tôi, số lượng khách đến thăm chủ yếu là các đoàn khách học sinh sinh viên theo kế hoạch phối hợp với nhà trường và khách du lịch chứ lượng khách lẻ của thủ đô chủ động ghé thăm rất ít. Đã từ lâu, trong tiềm thức của người dân, đến bảo tàng là để học tập, nghe tuyên truyền chứ không phải là nơi để giao lưu văn hóa hay giải trí.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Bảo tàng, ngoài yếu tố hiện vật là cốt lõi ra thì cần quan tâm đến tính sáng tạo trong trình bày sao cho hấp dẫn. Lâu nay chúng ta vốn chỉ quan tâm nhiều đến truyền thống cách mạng mà đôi khi xem nhẹ các yêu tố văn hóa dân tộc, đời sống sinh hoạt, tôn giáo tín ngưỡng… thế nên làm cho các thủ pháp trưng bày khô khan kém hấp dẫn”.
Ngoài ra, cũng theo ông Dương Trung Quốc, trước giờ chúng ta vẫn thường thụ động trong cách bảo vệ hiện vật bảo tàng bằng các mệnh lệnh khô khan “cấm sờ hiện vật”, vô hình trung làm công chúng cảm thấy xa cách.
Bảo tàng muốn hấp dẫn du khách thì không thể không quan tâm đến tính trải nghiệm. Đây chính là bài học thành công của Bảo tàng Dân tộc học từ thời giám đốc Nguyễn Văn Huy và được trao truyền đến tận bây giờ. Chính ông Huy là người đã tiên phong trong cách làm mới: để khách tham quan được tham gia vào hoạt động của bảo tàng, thông qua các hoạt động tái hiện nghi lễ đón tết, dựng nhà Rông, tự làm mặt nạ giấy bồi hay đèn kéo quân dịp trung thu…
Thành công lớn nhất của Bảo tàng Dân tộc học là dù bán vé thu tiền nhưng họ luôn rất đông khách và cứ mỗi dịp 1/6 hay rằm trung thu là người ta lại đọc báo, truy cập mạng để tìm hiểu xem năm nay chơi gì ở Bảo tàng Dân tộc học.
Diệp Chi
Có nên xây dựng “siêu bảo tàng” lịch sử quốc gia 11 tỉ đồng?
(Kiến trúc sư Lê Thanh Tùng)
(Nhà sử học Dương Trung Quốc – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN) |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy