Lãi đâu chưa thấy, nợ nần lại chất chồng
Cơn bão số 10 đi qua, khiến nhiều làng quê vùng ven biển Thanh Hóa tan hoang như vừa trải qua ngày tận thế. Nông dân nuôi tôm là những người chịu thiệt hại nặng nề, có những người cầm cố đất đai vay mượn hàng trăm triệu đồng cho đến hàng tỉ đồng để làm ăn lớn, với hi vọng sẽ thu cả vốn lẫn lời chỉ sau vài vụ thu hoạch, bởi tôm dễ bán, giá thành lại cao.
Không ai ngờ được, chỉ sau một trận mưa bão, sóng biển dâng đã đánh mọi thứ tan tành, vốn liếng giờ đây đã mất sạch, tất cả hi vọng đổi đời của người nông dân cũng tan vào sóng nước.
Ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1954), thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) tâm sự, những ngày này, ông rất buồn và tuyệt vọng. Chỉ sau một buổi sáng bão về, nhìn đồng tôm trắng băng trong biển nước mà lòng ông nghẹn đắng.
Ông bắt đầu làm mô hình nuôi tôm từ năm 2013, có 6 ô nuôi với diện tích 1,7 ha, vốn đầu tư ban đầu đã ngốn mất hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, 500 triệu đồng là tiền ông cầm cố sổ đỏ để vay mượn ngân hàng, còn lại thì vay mượn anh em, gom góp mỗi người một tí. Ông cho biết, mỗi năm thu hoạch 2 vụ tôm, trừ chi phí, mỗi vụ nhà ông lãi khoảng 50 triệu đồng. Vụ này ông mới thả được 1 tháng, tôm còn chưa kịp lớn thì đã mất trắng.
Vợ mất sớm, ông có 4 người con, tất cả đã lấy chồng lấy vợ, chỉ còn anh con út sống cùng. Hai bố con đặt cược mọi thứ có trong tay vào nuôi tôm.
Giờ đây, cánh đồng nuôi tôm của ông ven bờ biển Hoằng Phụ tan hoang. Những thiết bị, máy móc nằm chỏng chơ trên bãi cát, chỉ vài con tôm còn sót lại trong vũng nước. Đôi mắt thất thần, ông vừa nói vừa thở dài ngao ngán ”Bây giờ thì đúng là vỡ nợ thật rồi, nuôi ngao ngao cũng chết, nuôi tôm cũng không thành, cả nhà đã hết hi vọng rồi. Không biết lấy tiền đâu mà trả lãi cho ngân hàng bây giờ”.
Ngay sau trận bão, vì quá buồn chán, người con trai của ông Hùng đã khăn gói lên đường ra Hà Nội làm thuê với hi vọng kiếm chút tiền trả lãi hàng tháng.
“Giá bây giờ nhà nước có cho vay tiền thì mới tiếp tục gây dựng lại được, còn không thì chắc là cũng đến bó tay thôi, tiền đâu mà đầu tư lại nữa”.
Xã Hoằng Phụ được xác định là một trong những xã chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão số 10 của huyện Hoằng Hóa. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ xác nhận, thiệt hại sau bão tại địa phương chủ yếu là nuôi trồng thủy sản với 6 hộ dân nuôi tôm gần như mất trắng và các công trình đê điều. Tổng thiệt hại của xã vào khoảng hơn 19 tỷ đồng.
Lỗi lầm đâu chỉ do thiên tai
Chịu chung cảnh trắng tay sau bão là gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (59 tuổi), thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ. Ông Dũng cho hay gia đình có 5 ô tôm bị mất trắng, trong đó có 3 ô tôm thịt chỉ còn 20 ngày nữa xuất bán nhưng sóng lớn cộng với triều cường dâng cao đã cuốn đi hết tất cả, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Cũng ôm mộng làm giàu từ tôm, năm 2015, ông Dũng phải thế chấp 2 sổ đỏ của gia đình và của bố vợ để vay ngân hàng với số tiền hơn 500 triệu đồng, rồi cùng với anh em họ hàng đầu tư vào đầm tôm nhưng đến nay đã bị mất trắng hết.
Thẫn thờ nhìn đầm tôm tan tác, ông Dũng trăn trở: “Tôi cũng muốn khôi phục lại đầm tôm để còn có hi vọng trả nợ nhưng còn phụ thuộc vào việc có vay được vốn không đã”.
Chị Phạm Thị Huệ (36 tuổi), thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, đồng tôm nhà chị chung một bãi nuôi với gia đình ông Hùng. Gia đình chị Huệ chung vốn với các anh em để làm đầm tôm với 8 ô nuôi, đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua thiết bị, con giống và máy móc.
Bão đánh tan mất 6 ô, chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến kì thu hoạch nhưng bão đi qua đã cuốn đi cũng phải mất tương đương 2 tỷ bạc.
Chị Huệ bức xúc cho biết: “Bao nhiêu năm qua, dù bão to sóng lớn đến đâu cũng chưa bao giờ sóng biển vào sâu như thế này. Ít nhất cũng cách khu vực nuôi tôm này phải vài trăm mét. Tuy nhiên, nguyên nhân là do có người hút cát quá nhiều làm cho lòng biển sâu xuống, sóng biển dễ dàng đánh sâu vào phía trong lôi hết cả cồn cát và cả hàng cây chắn sóng đi”.
Những người dân khác ở ven bờ biển thôn Tân Xuân cũng nhận định, mỗi ngày, có hàng chục tàu và sà lan hút cát trái phép (người dân không rõ là của ai) diễn ra ngang nhiên trên vùng biển này. Chính hoạt động hút cát là nguyên nhân làm cho sóng biển xâm thực ngày càng sâu vào bờ, khiến cho việc nuôi trồng thủy sản của người dân chịu thiệt hại và ngay cả các công trình kè bờ biển huyện Hoằng Hóa này cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề chưa từng có.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa, sau cơn bão số 10, huyện này thiệt hại với con số lên tới 897 tỷ đồng. Con số này chiếm gần 90% mức độ thiệt hại của toàn tỉnh Thanh Hóa khi trước đó tỉnh này báo cáo thiệt hại ước tỉnh 1000 tỷ đồng. Trong đó , thiệt hại chủ yếu là về các tuyến đê, kè và nuôi trồng thủy sản tại khu vực biển Hải Tiến và các xã ven biển. |
Lương Thị
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy