Dòng sự kiện:
Basel II: Không cán đích bằng mọi giá
27/04/2019 07:07:02
Cũng giống như các nước khác, các ngân hàng Việt Nam vấp phải một số khó khăn cơ bản khi triển khai Basel II như chất lượng nguồn dữ liệu, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, hạ tầng công nghệ...

Vietcombank đã đáp ứng chuẩn Basel II

Đích đến Basel II ngày càng gần

Trung tuần tháng 4/2019, đã có thêm 3 ngân hàng là MB, TPBank và VPBank được áp dụng trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (chuẩn mực an toàn vốn Basel II – phương pháp tiêu chuẩn).

Như vậy, đến thời điểm này đã có 6 ngân hàng được áp dụng Thông tư 41 sớm hơn thời hạn, gồm: Vietcombank, VIB, MB, VPBank, OCB, TPBank; trong đó có 2 cái tên không thuộc 10 ngân hàng được chỉ định thực hiện thí điểm chuẩn Basel II là TPBank và OCB. Điều đó cho thấy bản thân các ngân hàng trong hệ thống khá chủ động cố gắng không ngừng trong mọi hoạt động từ việc xử lý nợ xấu đến tăng vốn, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, quản trị rủi ro,... để hướng tới Basel II. Đơn cử như OCB tuy không nằm trong top 10 ngân hàng thí điểm nhưng đã hoàn thành các hạng mục dự án Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II từ cuối năm 2017.

Mới đây nhất, VietBank - một ngân hàng quy mô nhỏ đã đánh tiếng dự kiến trong quý II/2019 sẽ nộp hồ sơ lên NHNN để xin áp dụng tính tỷ số an toàn vốn tối thiểu trước thời hạn. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, VietBank đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý dữ liệu, tính toán vốn tự có, tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của Thông tư 41.

Nếu tính hệ số an toàn vốn của VietBank tại thời điểm 30/3/2019 theo quy định của Thông tư 41 thì tỷ lệ hệ số này cao hơn mức quy định… Theo nhận xét của TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, áp dụng Basel II là mục tiêu phấn đấu của nhiều ngân hàng. Nó như một thước đo sức khoẻ tài chính, quản lý rủi ro và nâng tầm vị thế của các ngân hàng trong giới đầu tư. Ngoài ra, các ngân hàng này còn được cơ quan quản lý ưu tiên trong thực hiện các chính sách. Chẳng hạn như NHNN cho phép các TCTD này có hạn mức tín dụng cao hơn…

Thực ra, đó cũng là yêu cầu bắt buộc mà các ngân hàng phải đạt được. Bởi theo chiến lược lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, đến năm 2020 các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến 2025, tất cả NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao. Do vậy, việc thực hiện không còn là sự lựa chọn có hay không mà chỉ là thời điểm sớm hay muộn phải làm. 

Với diễn biến tích cực thực hiện tiêu chuẩn Basel II của các ngân hàng, giới chuyên môn nhận định nhiều khả năng, hết năm 2019 sẽ có khoảng gần chục ngân hàng có thể áp dụng trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41.

Nhưng còn nhiều khó khăn

Nhìn lại quãng đường phía trước, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, đích đến Basel II có thể là gần với các ngân hàng hoạt động kinh doanh lành mạnh, nền tảng tài chính tốt. Thế nhưng đích đến đó vẫn là khá xa đối với không ít ngân hàng, nhất là đối với các ngân hàng đang gặp khó khăn về tình hình tài chính.

“Đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn Basel II không phải là con đường dễ dàng mà muôn vàn khó khăn đối với các ngân hàng. Ngay cả với các ngân hàng đang có hệ số CAR cao cũng không dễ dàng tuân thủ Basel II, vì không chỉ phải đáp ứng yêu cầu về vốn, mà họ còn phải tuân thủ hàng loạt quy định khắt khe của cả một hệ thống quản lý rủi ro của Basel II. Điều này là vô cùng gian nan đối với ngân hàng Việt Nam”, vị này nhấn mạnh. 

Trong một lần trao đổi với lãnh đạo một ngân hàng áp dụng thành công tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41, vị này chia sẻ, để thực hiện được các chuẩn của Basel II, đòi hỏi trước tiên và cốt lõi là các ngân hàng phải hạch toán, quản trị rủi ro một cách chính xác. Theo đó, ngân hàng phải lượng hóa được mức độ rủi ro của mọi hoạt động, quy ra tiền. Chẳng hạn, đối với ngân hàng này trước kia vốn điều lệ chỉ cần 6.000 tỷ đồng là đã có thể đảm bảo hệ số CAR 11% nhưng nếu tính theo tiêu chuẩn Basel II hệ số này mới chỉ là 9%. Ngân hàng muốn đảm bảo hệ số CAR cao hơn phải tăng vốn. 

“Những ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II phải có cơ chế quản lý danh mục tín dụng rất chặt chẽ để đảm bảo chỉ số an toàn tín dụng. Ví như, hệ thống quản lý danh mục tín dụng của OCB đảm bảo tính phân tán rủi ro của các danh mục. Quy định Basel II đòi hỏ̉i quy ra chi tiết từng loại cho vay một, từng thứ của một khoản vay. Mỗi loại cho vay lại ứng với một tỷ lệ rủi ro khác nhau và mỗi tỷ lệ rủi ro ấy yêu cầu mức độ vốn chủ sở hữu khác nhau…”, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ về những áp lực của các ngân hàng khi triển khai tiêu chuẩn Basel II. 

Bên cạnh đó, cũng giống như các nước khác, các ngân hàng Việt Nam vấp phải một số khó khăn cơ bản khi triển khai Basel II như chất lượng nguồn dữ liệu, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, hạ tầng công nghệ, công tác đào tạo, chi phí thuê đội ngũ chuyên gia tư vấn…

Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu và thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin là một thách thức không nhỏ trong việc triển khai Basel II tại các ngân hàng ở Việt Nam. Hiện tại, “độ dày” dữ liệu của hầu hết các ngân hàng chưa đủ mức tối thiểu là 5 năm mà chỉ dao động khoảng 3 - 4 năm. Chưa kể, ở Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đều phải thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn hỗ trợ, hoạch định lộ trình thực hiện khiến chi phí triển khai đội lên khá nhiều. Đối với ngân hàng tài chính eo hẹp thì đây là một bài toán khó.

Điều mà giới chuyên môn cũng như bản thân các ngân hàng lo ngại nhất khi áp dụng Basel II đó là vấn đề tăng vốn, nhất là đối với các NHTM Nhà nước. TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, tăng vốn để đảm bảo Basel II là vấn đề sống còn của các ngân hàng hiện nay dù cuộc đua tăng vốn rất khốc liệt. Đặc biệt ở khối NHTM nhà nước, Chính phủ cần sớm đưa ra giải pháp tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột cấp tín dụng của cả nền kinh tế.

Với những gì đang diễn ra có thể thấy ngân hàng nào cũng quan tâm đến Basel II bởi họ hiểu vì sao cần phải áp dụng nó. Tuy nhiên, với tình hình sức khoẻ của các ngân hàng hiện chưa đồng đều thì việc áp dụng chung một lộ trình cho tất cả có thể là quá sức đối với một số ngân hàng, rất dễ xảy ra hiện tượng chống chế chính sách. Nếu làm mạnh tay sẽ gây tình trạng ngưng trệ hoạt động, gây bất lợi cho hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Vì vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt không nên cứng nhắc. Chẳng hạn Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được NHNN lấy ý kiến, có bổ sung thêm đối tượng chưa phải áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 vào đầu năm 2020 được đánh giá là phù hợp và cần thiết. Dù Basel II là đích mà các ngân hàng phải tới, nhưng không cán đích bằng mọi giá.

Tăng vốn để đảm bảo Basel II là vấn đề sống còn của các ngân hàng hiện nay dù cuộc đua tăng vốn rất khốc liệt. Đặc biệt ở khối NHTM nhà nước, Chính phủ cần sớm đưa ra giải pháp tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột cấp tín dụng của cả nền kinh tế.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến