Dòng sự kiện:
Trước họp đại hội VietinBank: Áp lực và thách thức trên vai các tân lãnh đạo
22/04/2019 18:01:45
Sự cấp bách trong việc tăng vốn theo chuẩn Basel II đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của VietinBank, đặt trách nhiệm lên vai tân Tổng giám đốc Trần Bình Minh và tân Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ.

Năm nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - HoSE: CTG) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng 41% so với 2018. Tuy nhiên, kết quả này chỉ có thể đạt được trong trường hợp ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018 và triển khai các biện pháp cải thiện tỷ lệ an toàn vốn khác như thoái vốn ở các công ty con, bán danh mục đầu tư…

Nói cách khác, kế hoạch của VietinBank dựa trên kỳ vọng ngân hàng có thể đạt các tiêu chuẩn về vốn theo Basel II và Thông tư 41. Điều này đặt ra thách thức cho những nhân sự mới nhậm chức của ngân hàng vào cuối năm 2018 là ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Nguyễn Bình Minh - Tổng giám đốc.

Lãi giảm vì mạnh tay xử lý tồn đọng

Từ năm 2019, VietinBank bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Với cách tính tài sản có rủi ro nghiêm ngặt và toàn diện hơn cùng và những hạn chế trong việc nâng vốn điều lệ, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng bị hạn chế ở mức thấp.

Thay đổi phân bổ nợ của VietinBank (Đvt: tỷ đồng)

Từ cuối năm 2018, ngân hàng đã giảm quy mô tín dụng, chuyển đổi nhóm nợ. Đến cuối tháng 12/2018, dư nợ của ngân hàng giảm 26.692 tỷ đồng so với cuối quý III. Nợ nhóm 2, 3, 4 và 5 đều tăng trong khi nợ đủ tiêu chuẩn giảm. Điều này ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng và lãi dự thu của ngân hàng.Đây cũng là lý do ngân hàng lỗ ròng 687 tỷ đồng trong quý IV/2018.

Lợi nhuận cả năm 2018 của ngân hàng còn hơn 5.400 tỷ đồng, giảm 27% so với 2017, sau khi khoản lãi dự thu "bốc hơi" 7.618 tỷ đồng trên báo cáo tài chính. Đồng thời, chi phí ghi nhận hơn 6.500 tỷ đồng từ hoạt động tín dụng khác. Đây là kết quả thấp nhất trong 8 năm qua của ngân hàng và cũng là lần đầu VietinBank ra khỏi top 5 lợi nhuận của ngành.

Đến cuối năm 2018, tổng tài sản ngân hàng ở mức 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 8%, tổng tiền gửi tăng 10%. Tổng dư nợ xấu của ngân hàng tới cuối kỳ tăng 50%. Nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 9.500 tỷ, chiếm nhiều nhất trong các nhóm nợ 3,4,5. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,14% lên 1,56%.

Năm 2019, VietinBank chỉ đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 2-5%, vốn huy động tăng 10-12%. Dư nợ tín dụng tăng 6-7%, mức rất thấp so với mặt bằng chung của ngành.

Tăng vốn bằng cách nào?

Tại buổi họp ĐHCĐ thường niên 2018, ban lãnh đạo của VietinBank cho biết CAR ở mức 10% tính theo Thông tư 36 và 06, kể cả khi áp dụng Basel II CAR vẫn khoảng 9%. Theo nhận định của CTCK TPHCM (HSC) mức này thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác.

HSC ước tính VietinBank cần phải tăng vốn thêm 20%, tương đương khoảng 7.500 tỷ đồng trong 2 năm tới. Có 2 cách để thực hiện, thứ nhất là tăng vốn cấp 2 (giá trị tài sản đánh giá lại, các khoản dự phòng rủi ro chung, các công cụ lai giữa nợ và vốn…) và nâng vốn cấp 1 (vốn điều lệ và quỹ dự phòng, lợi nhuận chưa phân phối…).

KQKD của VietinBank (Đvt: tỷ đồng)

Với phương án đầu, ban lãnh đạo của ngân hàng từng cho biết đã cơ cấu danh mục tăng trưởng, thực hiện các biện pháp tăng vốn tự có, cấu trúc vốn tự có trong đó có việc phát hành trái phiếu thứ cấp. Đến cuối 2017, dư lượng khai thác không còn nhiều nên buộc phải tính đến tăng vốn điều lệ từ cổ đông (tăng vốn cấp 1).

Tuy nhiên, việc tăng vốn cấp 1 hiện nay vẫn là vấn đề khó khăn. Trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 quy định tỷ lệ sở hữu tối thiểu của Nhà nước tại các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước là 51% trong giai đoạn 2021-2025 và 65% trong giai đoạn trước đó. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank là 64,5%, thấp hơn so với mức tối thiểu quy định, trong khi room ngoại đã kín 30%.

Mặt khác, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của VietinBank vẫn chưa có được ý kiến quyết định của Ngân hàng Nhà nước, điều này khiến toàn bộ phương án khác liên quan đến việc phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại bế tắc. Trong khi đó, 2 năm qua, VietinBank vẫn phải chia cổ tức theo phương án bằng tiền mặt do liên quan đến kế hoạch thu chi ngân sách của Bộ Tài chính.

Do đó, cửa tăng vốn của VietinBank để đáp ứng chuẩn Basel II là bí bách. Áp lực dồn lên những người đứng đầu ngân hàng. Hơn một lần, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ có kiến nghị về việc tăng vốn và khẳng định tính “đặc biệt cấp bách” đối với hoạt động của các ngân hàng.

Từ phía nhà đầu tư, trong buổi gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Kanetsugu Mike, Tổng giám đốc Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), ngân hàng lớn nhất Nhật Bản sở hữu gần 20% vốn VietinBank, đơn vị này bày tỏ mong muốn hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh. Ông cho rằng việc này hết sức cấp thiết và mong Chính phủ Việt Nam ủng hộ việc này.

Trong khi BIDV đã được chấp thuận tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho KEB Hana của Hàn Quốc, Vietcombank cũng phát hành riêng lẻ thành công cổ phiếu cho GIC, và Mizuho, "cửa" tăng vốn VietinBank vẫn chưa mở.

Theo Người đồng hành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến