Dòng sự kiện:
Basel II: muốn là một chuyện - làm được lại là chuyện khác
25/02/2019 17:00:23
Đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức phê duyệt hai giai đoạn thực hiện Basel II của hệ thống.

Giai đoạn một có 10 ngân hàng thí điểm và dự kiến hoàn thành vào năm 2018 bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sacombank, Quân đội, Techcombank, Á Châu, VPBank, MSB và Quốc tế (VIB). Giai đoạn hai sẽ bao gồm tất cả các tổ chức tín dụng còn lại. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ba ngân hàng thực hiện Basel II là Vietcombank, VIB và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). OCB không nằm trong danh sách thí điểm, song lại là ngân hàng áp dụng Basel II sớm nhất hệ thống.


Những ngân hàng đã “qua cửa” Basel II thường được NHNN ưu tiên, chẳng hạn như có thể nới lỏng hạn mức tín dụng. Lý do mà cơ quan quản lý đưa ra là thực hiện Basel II giúp tái cơ cấu bền vững và ổn định hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, với đa số các ngân hàng hiện nay, thực hiện được Basel II không dễ và với một số tổ chức tín dụng, quan trọng là thời điểm và lộ trình tiến hành sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là khi họ còn đang khoác chiếc áo nhà nước với tỷ lệ nắm giữ trên 65%, thậm chí 97-98%.

Mức độ rủi ro quy ra tiền

“Để thực hiện được các chuẩn của Basel II, đòi hỏi trước tiên và cốt lõi là các ngân hàng phải hạch toán được một cách chính xác, quản trị rủi ro một cách chính xác. Ngân hàng phải quy được mọi hoạt động ra mức độ rủi ro và những mức rủi ro ấy phải được quy ra tiền”, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, nói ngắn gọn.

Ví dụ, nghiệp vụ phổ biến là cho vay. Cho vay 100 đồng thì mức tính độ rủi ro cao nhất là cả 100 đồng. Còn nếu khoản vay đó chắc chắn thu hồi được cả gốc lẫn lãi, tức tỷ lệ mất mát thấp nhất có thể, thì mức trích lập chỉ 0,75% theo Basel I.

Trên thực tế, mức độ rủi ro cho vay vô cùng khác nhau về kỳ hạn, mục đích sử dụng vốn, giá trị khoản vay lớn/nhỏ, giá trị tài sản đảm bảo, loại tài sản thế chấp... Basel II đòi hỏi quy ra chi tiết từng loại cho vay một, từng thứ của một khoản vay. Mỗi loại cho vay lại ứng với một tỷ lệ rủi ro khác nhau và mỗi tỷ lệ rủi ro ấy yêu cầu mức độ vốn chủ sở hữu khác nhau.

Ông Vũ dẫn chứng Basel II yêu cầu 8% vốn chủ sở hữu để lượng hóa các loại cho vay. Cụ thể, ngân hàng cho vay 100 đồng thì phải có 8 đồng vốn chủ sở hữu. Cho vay kinh doanh có tài sản đảm bảo, như bất động sản, nhà ở thì độ rủi ro, giả dụ là 80%, tính ra ngân hàng cần 6,4 đồng vốn chủ sở hữu. Còn nếu cho vay chứng khoán 100 đồng, độ rủi ro là 250%, thì ngân hàng cần có 20 đồng vốn chủ sở hữu.

Khảo sát của chúng tôi với một số ngân hàng cho thấy đa phần ý kiến phản hồi nhấn mạnh yêu cầu về vốn của Basel II quá chặt chẽ. Một ngân hàng nói nếu tính theo Basel II, chỉ riêng nghiệp vụ tín dụng, họ không đủ vốn chủ sở hữu. Cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là Nhà nước. Họ đưa ra phương án tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, nhưng Nhà nước không đồng ý. Nhà nước không tham gia tăng vốn, ngân hàng “bó tay”.

Với các nghiệp vụ khác như ngân quỹ, kinh doanh ngoại hối, thẻ tín dụng, chuyển tiền kiều hối, bao thanh toán, bảo lãnh, ủy thác đầu tư..., Basel II cũng quy các nghiệp vụ này ra mức độ rủi ro và từ đó ra tiền. Cộng tất cả các mức độ rủi ro của các nghiệp vụ, rồi quy ra tiền, sẽ tính được ngân hàng cần tối thiểu bao nhiêu vốn chủ sở hữu. Nếu đủ vốn, ngân hàng áp dụng được Basel II. Về cơ bản, khi đó các chủ thể liên quan đến ngân hàng ở một vị thế an toàn hơn từ người kinh doanh ngân hàng, cổ đông đến người gửi tiền và xã hội, nền kinh tế.

Mua 5 bán 10

Một ngày đẹp trời sau Tết, người viết bài này thử liên hệ với một phòng giao dịch của một ngân hàng đã thực hiện Basel II với nhu cầu vay tiền đầu tư căn hộ cho thuê. Tài sản thế chấp là căn nhà đang ở. Câu trả lời nhận được là ngân hàng đang rà soát lại các loại cho vay và hiện tại không cho vay để đầu tư, cho dù là đầu tư bất động sản hay cổ phiếu.

Lý do sâu xa của việc rà soát lại danh mục tín dụng không phải chỉ ở ngân hàng trên mà cả ở nhiều ngân hàng khác, là việc NHNN năm nay sẽ tăng cường thanh tra, giám sát từ xa việc thực hiện chỉ tiêu chỉ được sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; phân loại mức độ rủi ro cho vay bất động sản và Thông tư 41/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn CAR 8%. Mặc dù Thông tư 41 đến đầu năm 2020 mới có hiệu lực, nhưng quy định tỷ lệ CAR 8% của nó rất gần với chuẩn Basel II.

Một số ngân hàng chưa muốn thực hiện Basel II bây giờ. Một số ngân hàng cổ phần có tỷ lệ cho vay bất động sản cao, nếu áp dụng Basel II phải lập tức tính hệ số rủi ro 200% và quy ra vốn chủ sở hữu, họ không đủ vốn. Ba ngân hàng lớn là BIDV, Agribank, VietinBank cũng chưa đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện Basel II, trong khi dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của họ đang xấp xỉ 1 triệu tỉ đồng/ngân hàng.

Nhìn từ đây, vấn đề đặt ra là trong điều kiện của Việt Nam, tăng trưởng GDP trông chờ nhiều vào tín dụng ngân hàng (cộng với vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối), có nhất thiết phải thực hiện Basel II ngay? Basel II là phiên bản hai của Hiệp ước Basel, quy định các nguyên tắc chung của các ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp hội Thanh toán quốc tế của các ngân hàng hàng đầu thế giới đưa ra các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo lòng tin lẫn nhau khi thanh toán. Tuy thế các ngân hàng thanh toán bao giờ cũng phải có deposit (ký quỹ) và mở một hạn mức tín dụng cho nhau.

“Khi nói đến Basel II, người ta thường đề cập đến vốn chủ sở hữu. Mọi ngân hàng phải đảm bảo chỉ số CAR mới tính trên tài sản có rủi ro không còn giống như trước đây. Phải lượng hóa mức độ rủi ro và lượng hóa được tiền. Nhưng tiền không phải là tất cả”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng đề nghị không nêu tên, nhận xét.

Việc áp dụng Basel II quá sớm với một số ngân hàng có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Chúng ta đang nhìn rõ hơn bao giờ hết chênh lệch chi phí vốn đầu vào - đầu ra của ngành ngân hàng là mua 5 bán 10. Sự chênh lệch này doanh nghiệp, nền kinh tế gánh chịu. Nay nếu áp Basel II ngay, chi phí vốn của ngân hàng sẽ đội lên thêm, sự chênh lệch trên sẽ giãn rộng. Còn không, ngân hàng sẽ buộc phải tiết giảm cho vay, kể cả ngưng cho vay và chỉ thu hồi vốn.

Chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của hầu hết các ngân hàng đang ở 4-5%, rất cao. Vì sao cao? Vì nợ xấu, vì quản lý chi phí chưa hiệu quả và vì những lý do không tên khác liên quan đến cơ chế và thể chế.

Các ngân hàng đều quan tâm đến Basel II, nhưng họ không muốn thực hiện nó một cách máy móc và chịu đựng nó như chịu áp lực sức ép hành chính. Họ hiểu Basel II là gì. Họ hiểu tại sao phải áp dụng nó. Chỉ có điều việc áp dụng phải phù hợp với điều kiện từng ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Basel II liên quan mật thiết đến xử lý nợ xấu, đến tín dụng, mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến