Dòng sự kiện:
BIDV và áp lực tăng vốn
19/02/2019 08:00:03
BIDV đang chịu áp lực tăng vốn lớn để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo tiêu chuẩn Basel II dù ngân hàng đã tìm được đối tác chiến lược nước ngoài để bán 15% cổ phần.

Mới đây Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) công bố lợi nhuận trước thuế năm 20181 đạt 9.472 tỷ đồng, tăng trưởng 9,32%.

Cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của BIDV trong năm qua đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Theo báo cáo, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 13% đạt 34.955 tỷ đồng.

Thu nhập ngoài lãi cũng tăng 18,3% đạt 9.534 tỷ đồng, với đóng góp chính là từ lãi thuần hoạt động dịch vụ ( 3.550 tỷ đồng) và thu nhập từ thu hồi nợ xấu (3.822 tỷ đồng). Nguồn thu từ các hoạt động khác như kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư và kinh doanh cũng ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm ngoái.

Năm 2018, cho vay khách hàng tăng trưởng 14,1% , đạt 988,73 nghìn tỷ đồng, với đóng góp chính là cho vay ngắn hạn khi tăng trưởng 21,7%, chiếm 61,82% tổng dư nợ của BIDV. Tiền gửi khách hàng tăng 15%, tương ứng đạt 989,67 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí huy động bình quân trong năm 2018 tăng nhẹ lên 7,05%, chủ yếu do chi phí tiền gửi khách hàng. Ước tính tỷ lệ NIM của BIDV giảm nhẹ xuống dưới 3%.

Như vậy, năm 2018, BIDV đứng thứ 3 tại trên "bảng xếp hạng" lợi nhuận ngân hàng, sau Vietcombank và Techcombank.

Mặc dù kết quả kinh doanh tốt và quá trình xóa nợ xấu của BIDV đã có những tiến triển lớn trong hai năm qua, song BIDV sẽ cần thêm 2 đến 3 năm trích lập dự phòng mạnh mẽ nữa để xử lý nợ xấu tồn đọng.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý của BIDV vào cuối năm 2018 là 1,69%, tăng so với mức 1,61% vào cuối năm 2017. Con số này tương ứng đã có 2.747 tỷ đồng nợ xấu hình thành mới trong năm 2018, chủ yếu là nợ nhóm 3 và nhóm 5.

Năm qua, BIDV cũng đã trích lập dự phòng ở mức cao kỷ lục, là 18.893 tỷ đồng (tăng 27,3% so với năm 2017).  Đây là nỗ lực của ngân hàng nhằm hướng tới việc xóa nợ xấu tồn đọng vào năm 2020.

Tuy vậy, các công ty phân tích nhận định, BIDV vẫn còn nợ xấu tại VAMC chưa được trích lập đầy đủ và có thể phát sinh một số khoản nợ xấu khác, tương tự như trường hợp của Vietinbank. Trong tương lai tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng có thể tăng trưởng mạnh khi BIDV chuyển hướng sang tập trung hơn vào bán lẻ, lợi nhuận vẫn sẽ bị ăn mòn phần lớn bởi chi phí dự phòng.

Một vấn đề khác đó là đà tăng trưởng tín dụng của BIDV vẫn đang có nguy cơ bị kìm hãm trong năm nay. Hiện tại, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV ở mức rất thấp dù áp dụng theo chuẩn Basel I. Đây có thể coi là “gót chân Asin” của BIDV và kéo theo nhu cầu vốn cấp 1 rất lớn trong ba năm tới.

Tăng vốn cũng đang là yêu cầu bức thiết đặt ra với BIDV khi mà tổng tài sản của ngân hàng này đạt tới gần 1,283 triệu tỷ đồng, song vốn điều lệ mới chỉ đạt gần 34.200 tỷ đồng – thấp nhất trong số 3 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần hóa. Điều thuận lợi là BIDV hiện còn dư địa khá lớn cho các cổ đông nước ngoài khi mà Nhà nước vẫn đang nắm giữ tới 95,28% vốn điều lệ của nhà băng này. Thế nhưng suốt 3 năm nay, BIDV vẫn không thể tăng nổi một đồng vốn điều lệ nào, dù năm nào Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng đề ra từ 3-4 phương án tăng vốn điều lệ nhưng chưa năm nào thực hiện được, dù chỉ là một trong số đó.

Năm 2016, BIDV cùng VietinBank kiến nghị lên cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2015 từ tiền mặt sang cổ phiếu để tăng vốn. Đề xuất này được sự chấp thuận của cơ quan điều hành, nhưng sau đó đã bị Bộ Tài chính phản bác với lý do ngân sách eo hẹp.

Năm 2017, BIDV tiếp tục đề ra một loạt phương án, từ phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, trả cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, nhưng đến cuối năm, không phương án nào được thực hiện.

Hiện nay, ngân hàng này đã tìm được đối tác chiến lược là ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc phát sinh nên ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV kiến nghị trước mắt tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, ông Tú cũng kiến nghị, phát triển thị trường chứng khoán như một kênh vốn dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ về áp lực vốn dài hạn với hệ thống ngân hàng.

Sau khi hoàn tất, vốn cấp 1 của BIDV sẽ tăng thêm khoảng 18 nghìn tỷ đồng dựa trên giả định giá phát hành là 30.000 đồng mỗi cổ phần. Đồng thời ngân hàng có dư địa huy động thêm vốn cấp 2 sẽ tăng thêm khoảng 9.000 tỷ đồng. Khi đó, hệ số CAR theo Basel 1 mới tăng đáng kể lên khoảng 13%, ở mức chấp nhận được để tiếp tục xét lên chuẩn Basel II. Tuy nhiên, việc phải liên tục phát hành thêm cổ phiếu mới sẽ đẩy biến BIDV thành một trong những ngân hàng đã niêm yết có rủi ro pha loãng cổ phiếu lớn nhất.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến