Dòng sự kiện:
Bất cập trong chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
15/07/2019 11:22:24
Do không kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn tiêu hủy quá nhiều khiến một số địa phương “vỡ trận” trong việc cân đối ngân sách hỗ trợ.

Trước tình hình dịch bệnh mất kiểm soát, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định ban hành cơ chế, chính sách, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 25.000 đồng/kg đối với lợn thịt, lợn con các loại và 30.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.

Cân lợn để xác định trọng lượng trước khi lập biên bản tiêu hủy.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 42 về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với nhiều cơ chế thông thoáng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, do không kiểm soát được tình hình dịch bệnh, số lượng lợn tiêu hủy quá nhiều khiến một số địa phương “vỡ trận” trong việc cân đối ngân sách hỗ trợ.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, giá hỗ trợ hiện nay tại địa phương là 38.000 đồng/kg (bất kể lợn nái, lợn thịt hay lợn con). Do mức giá hỗ trợ cao hơn giá thịt lợn ngoài thị trường nên xảy ra tình trạng: Thứ nhất là giá lợn chết cao hơn giá lợn sống nên có nhiều con lợn bị chết oan. Lợn không chết cũng cho chết. Vì lợn chết thì được hỗ trợ nhiều hơn lợn sống, vừa khỏi tốn công chăm sóc, vừa đỡ tốn tiền mua thức ăn. Thứ 2 là người chăn nuôi không chủ động chống dịch.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phải điều chỉnh giá hỗ trợ bằng 80% giá lợn ngoài thị trường: “Có nghĩa là giá thị trường lên thì chúng tôi hỗ trợ lên, giá thị trường xuống thì chúng tôi hỗ trợ xuống. Như thế thì sẽ bám sát được, hạn chế việc người dân lợi dụng việc hỗ trợ này cao hơn giá thị trường theo quy định hiện nay để người ta lợi dụng chính sách, đưa những đàn không dịch trở thành đàn có dịch để nhận cơ chế”.

Tiêu hủy cả những con lợn đang còn sống.

Tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi muộn. Ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa vào ngày 14/6. Địa phương đang còn lúng túng trong cách tính toán mức hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Hà, ở thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đề nghị: “Nghe thông báo giá lợn thịt là 35.000 đồng, lợn nái là 38.000 đồng, heo con thì chưa biết. Thấy Nhà nước hỗ trợ chừng nớ thì dân cũng mừng. Giá cả thị trường thấp, hiện nay chỉ có 30.000 đồng/1 kg, Nhà nước hỗ trợ như giá hiện tại là tạm được. Mong Nhà nước quan tâm có hỗ trợ thêm được nữa thì tốt cho nông dân”.

Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, khó khăn hiện nay là địa phương chưa tự chủ được kinh phí. Nguồn kinh phí phục vụ công tác chống dịch còn không biết lấy đâu ra, chưa nói đến kinh phí hỗ trợ.

“Về phương án hỗ trợ thiệt hại cho bà con, chúng tôi đang còn dự kiến 2 phương án. Thứ nhất là theo quy định của Chính phủ, tức là hỗ trợ 80% theo giá thị trường. Hoặc theo Nghị định 02 là chúng tôi hỗ trợ 38.000 đồng/kg. Trong đó, trung ương hỗ trợ 70%, địa phương hỗ trợ 30%. Tuy nhiên, phương án địa phương hỗ trợ thì đối với tỉnh Quảng Bình, ngân sách tự chủ rất là khó. Do đó, chúng tôi thiên về hướng hỗ trợ theo Quyết định của Chính phủ, tức là hỗ trợ 80% theo giá thị trường. Tuy nhiên khó khăn trong việc xác định giá thị trường này thì mình phải cập nhật hằng tuần”, ông Văn Minh nói.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang áp dụng mức hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy với giá 25.000 đồng/1kg hơi đối với lợn thịt, các loại lợn khác giá 43.000 đồng/kg hơi (gồm: lợn nái và lợn đực giống đang khai thác) theo Quyết định số 1253 của UBND tỉnh.

Trường hợp giá thịt lợn hơi trên thị trường biến động cao hoặc thấp hơn 15% mức giá thịt lợn hơi thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ủy quyền cho Sở Tài chính tính toán, thông báo mức hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy với mức giá hỗ trợ: lợn thịt, lợn con các loại sẽ hỗ trợ 80% giá thịt lợn hơi trên thị trường; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ 1,5 lần so với hỗ trợ các loại lợn khác.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Hiện nay, Sở Tài Chính ngày nào cũng nhận được thông tin thị trường giá cả để theo dõi, không để hỗ trợ quá cao. Nhiều lúc bà con thấy con nào bệnh cũng không lo tập trung chăm sóc, tập trung điều trị đối với những bệnh khác. Hỗ trợ phải thấp hơn, đảm bảo như Thủ tướng chỉ đạo thì phải nói rất là tốt so với tình hình hiện nay”.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, ngân sách trung ương hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ thiệt hại đàn heo.

Đối với các tỉnh còn lại, UBND tỉnh, thành phố có tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên thì chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% thì ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách trung ương hỗ trợ 70% phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Các địa phương huy động thêm tối đa 70% quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi. Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực địa phương và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương thì ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của các tỉnh, thành phố.

Ông Cao Đức Phát, Phó Ban Kinh tế Trung ương kiểm tra phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, kinh nghiệm nhiều năm chống dịch cho thấy, ngân sách hỗ trợ tập trung vào các hộ chăn nuôi nhỏ để vừa giảm thiệt hại cho người dân, vừa động viên người dân phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng chống dịch.

Thế nhưng, nếu hỗ trợ quá cao thì sẽ xảy ra trường hợp lạm dụng tiêu hủy quá mức, còn hỗ trợ thấp thì lại dẫn đến trường hợp một số người sẽ không khai báo với chính quyền mà bán đổ bán tháo hoặc giấu dịch.

Ông Cao Đức Phát nói: “Tôi cho rằng Nghị quyết của Chính phủ đã đưa ra là một cơ chế trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm qua chống dịch ở nước ta. Khoảng 70 đến 80% như Chính phủ đã có Nghị quyết. Các đồng chí nên điều chỉnh theo hướng đó và lấy giá nào, nhiều địa phương, giao cho Sở Tài chính lấy giá của Chính phủ. Hàng tuần giá của Chính phủ luôn cao hơn giá của nơi khác. Họ lấy giá đó công bố mức hỗ trợ cho dân”.

Tình trạng gian lận trong quá trình tiêu huỷ lợn bệnh để hưởng tiền đền bù thiệt hại diễn ra tại nhiều địa phương. Nghị quyết số 42 của Chính phủ cũng đã chỉ ra những tồn tại, bất cập gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch. Trong đó nêu rõ hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn xảy ra ở một số nơi.

Không ít người có cùng suy nghĩ, tham nhũng, lãng phí gây thất thoát lớn hàng ngàn tỷ đồng mới đáng sợ chứ hỗ trợ cho dân thì chả mất đi đâu. Điều đó đúng trong trường hợp hộ chăn nuôi thực sự khó khăn. Còn đối với trường hợp hỗ trợ tràn lan, đại trà, không đúng đối tượng sẽ tạo ra tiền lệ xấu.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi lên cả trăm tỷ đồng. Một số địa phương phía Bắc, kinh phí hỗ trợ cho 1 đợt dịch bằng tổng thu ngân sách trong 1 năm. Theo nhận định của các nhà chức trách thì dịch chưa đến đỉnh, nghĩa là ngân sách sẽ còn tốn rất nhiều cho chống dịch và hỗ trợ người chăn nuôi.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến