Như chúng tôi đã phản ánh, thời gian qua, thị trường bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng trở nên hỗn loạn, bát nháo bởi nhiều chiêu trò "thổi" giá của giới "cò" đất cũng như việc làm ẩu, làm sai pháp lý của chủ đầu tư, các sàn giao dịch. Điển hình nhất phải kể đến vụ giả mạo công văn của UBND TP Đà Nẵng để "làm loạn" thị trường bất động sản vùng Nam Đà Nẵng.
Sau khi bài báo đăng tải, chúng tôi nhận được nhiều đơn thư của người dân tỉnh Quảng Nam về những bất cập, khó khăn mà họ đang phải chịu đựng bởi những dự án bất động sản phân lô bán nên đang "cày xé". Điển hình nhất là khu Đô thị Nồi Rang, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên.
Theo tài liệu, ngày 11/10/2017, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 3615/QĐ-UBND về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu Đô thị Nồi Rang. Đây là dự án do công ty cổ phần Đạt Phương làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 14,41ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 2.000 người. Theo dự kiến nơi đây sẽ có khu đô thị xây dựng 55 tầng, trong đó công trình thương mại, dịch vụ 50 tầng, Khu Nhà ở 5 tầng và được trang bị hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn, mỹ quan...
Theo quy hoach, dự án Nồi Rang sẽ biến vùng Đông Quảng Nam thành một đô thị lộng lẫy. Tuy nhiên, tất cả giờ vẫn chỉ là đất hoang bởi công tác giải tỏa chậm chạp
Ngay sau khi duyệt quy hoạch chi tiết dự án, tỉnh Quảng Nam giao công ty cổ phần Đạt Phương hoàn chỉnh hồ sơ kịp thời nhằm triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, từ thời điểm phê duyệt quy hoạch đến nay tròn 1 năm trời nhưng dự án này vẫn chưa xong giai đoạn giải tỏa đền bù. Nhiều bất cập, thậm chí là khiếu kiện đã diễn ra. Cụ thể, có nhiều hộ dân chưa thể thực hiện việc giao đất, bàn giao mặt bằng cho dự án vì họ cho rằng không được giải quyết đúng các quy định.
Ông Lê Thanh Tuấn (SN 1951) trú xã Duy Nghĩa cho biết, ông có thửa đất thổ cư theo tờ bản đồ số 11, thửa 105, diện tích 915m2. Thửa đất được cấp sổ đỏ số 00984 QSDĐ/375 năm 1995.
Trên thửa đất này gia đình ông xây dựng nhà ở từ năm 1979. Sau này, các thành viên trong gia đình khôn lớn có gia đình riêng nên các con ông Tuấn đã tách thành 4 hộ với 4 sổ hộ khẩu riêng. Tất cả cùng sinh sống trên thửa đất này.
Năm 1999, do bị ảnh hưởng của một cơn lũ nên gia đình ông Tuấn có nhận 1 khoản tiền 1.5 triệu đồng theo diện danh sách các hộ dân được hưởng trợ cấp do bão lũ theo chế độ hiện hành. Từ đó đến nay đại gia đình này tiếp tục sinh sống trên thửa đất này cho đến khi có quy hoạch dự án Nồi Rang. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm thì họ mới tá hỏa khi biết mình bị thu hồi đất nhưng không được đền bù.
“Khi kiến nghị với UBND xã Duy Nghĩa về việc không được bồi thường, hỗ trợ về thửa đất này thì chúng tôi được giải thích vòng vo và cho rằng việc thu hồi đất và đền bù như thế nào do UBND huyện quyết định. Chúng tôi nhiều lần khiếu nại đến UBND huyệnDuy Xuyên nhưng đều không được giải thích rõ ràng cũng như không trả lời dân về việc có giải quyết khiếu nại hay không. Trong khi dự án đã thực hiện đến nơi, xung quanh khu đất nhà tôi đã bàn giao mặt bằng cho dự án, việc san lấp mặt bằng đã được tiến hành. Chủ đầu tư dự án nhiều lần đến gặp gia đình và bàn cách thương lượng đền bù với gia đình, nhưng gia đình tôi không chấp nhận. Gia đình chỉ mong muốn được cơ quan làm đúng quy định về giải tỏa đền bù của Luật đất đai 2013", ông Tuấn nói.
Cũng theo vị này, ông đã gửi đơn đến Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Nam đồng thời khởi kiện ra tòa án.
Theo UBND huyện Duy Xuyên, vừa rồi, đơn vị này đã ra văn bản số 1245 gửi TAND tỉnh Quảng Nam trả lời về việc khởi kiện của ông Tuấn. Theo đó, thửa đất của gia đình ông Tuấn "chưa được thu hồi" và đang trong giai đoạn xem xét, giải quyết thu hồi, bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Không những lình xình trong giải tỏa đền bù, dự án khu đô thị Nồi Rang còn biết đến là 1 trong 5 dự án khai thác quỹ đất được UBND tỉnh Quảng Nam đổi cho công ty CP Đạt Phương để doanh nghiệp này xây dựng cây cầu Đế Võng 391 tỷ đồng theo hình thức BT. Diện tích đất Quảng Nam đổi theo tổng cộng 5 dự án khoảng 306ha. Hình thức đổi đất lấy hạ tầng này của Quảng Nam đang gây xôn xao dư luận thời gian qua. Dư luận cho rằng, đây là hình thức quá lời cho doanh nghiệp. Với hàng trăm ha đất có được quy ra đất nền gần chục triệu đồng/m2 do doanh nghiệp bán ra có thể thu lại con số không tưởng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!
Nhâm Thân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy