Dòng sự kiện:
Bất chấp đại dịch, MSB vẫn báo lãi 'khủng', tăng cho vay xây dựng, BĐS
11/11/2021 15:35:03
Bất chấp đại dịch Covid-19, MSB vẫn lãi đậm, tăng 46,33% so cùng kỳ trong quý III và tăng gần 2,5 lần sau 9 tháng. Cho vay khách hàng doanh nghiệp bất động sản, xây dựng của ngân hàng cũng tăng.

Lãi đậm bất chấp đại dịch

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán: MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế quý III là 809,5 tỷ đồng, tăng 46,33% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế, ngân hàng báo lãi sau thuế hơn 3.288 tỷ đồng, tăng gần 2,48 lần so với cùng kỳ 2020. Mức lợi nhuận này chủ yếu nhờ hợp đồng phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) và mở rộng hoạt động tín dụng.

Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận này của MSB là cao so với toàn ngành ngân hàng, nhờ mở rộng quy mô cho vay từ 78.500 tỷ đồng cuối 2020 lên tới 96.800 tỷ đồng đến hết quý III năm nay, tăng 23,3%. Sau 9 tháng, MSB tăng trưởng tín dụng 15,9%, chỉ đứng sau Techcombank với 17%.

MSB báo lãi đậm bất chấp đại dịch (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động (CIR) giảm khá mạnh từ 49,2% cùng kỳ năm ngoái xuống 32,7%. CIR là chỉ số đo lường hiệu suất hoạt động của các ngân hàng do nó đo lường được việc các nguồn lực được sử dụng tốt như thế nào để đạt được khối lượng đầu ra.

Tỷ lệ thu nhập lãi ròng (NIM) đạt 3,72%, cao hơn mức 3,35% của năm 2020, cho thấy hiện ngân hàng đang hưởng chênh lệch thực giữa thu từ lãi và chi trả lãi ngày càng tăng.

Tỷ lệ nợ xấu của MSB là 1,31%, giảm so với cuối 2020. Tuy nhiên, nợ dưới tiêu chuẩn giảm sau 9 tháng nhưng nợ nghi ngờ mất vốn, nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Mức tăng với nợ nghi ngờ mất vốn là hơn 190 tỷ đồng, tương đương tăng 48%. Còn với nợ có khả năng mất vốn, mức tăng là hơn 230 tỷ đồng, tương đương tăng gần 27%.

Ưu tiên cho vay ngắn hạn được cho là yếu tố giúp cho ngân hàng này hạ tỷ lệ nợ xấu, khi mà tỷ lệ cho vay ngắn hạn chiếm 47,68% tổng dư nợ và thường nợ ngắn hạn có rủi ro tín dụng thấp hơn nợ trung, dài hạn.

Tập trung cho vay mua nhà, bất động sản, xây dựng

Ở mảng cho vay khách hàng cá nhân, cho vay mua nhà chiếm tỷ trọng lớn nhất với 46,6% (tăng 9,8% trong 9 tháng). Tuy nhiên, cho vay kinh doanh (chiếm tỷ trọng 8,6%) và cho vay tiêu dùng (chiếm tỷ trọng 19,9%) mới là 2 lĩnh vực ghi nhận mức tăng mạnh nhất lần lượt là 51,3% và 37,9% từ đầu năm đến nay.

Về khách hàng doanh nghiệp, MSB tập trung cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Tỷ lệ % cho vay ngành bất động sản và xây dựng trên tổng cho vay khách hàng doanh nghiệp của MSB lần lượt là 16,5% (tăng 33,5% trong 9 tháng) và 16,2% (tăng 62,2% trong 9 tháng).

Xếp sau là cho vay lĩnh vực hàng tiêu dùng với tỷ trọng 10,9%, điện và năng lượng là 8,8%, còn lại là các lĩnh vực khác. Dư nợ tái cơ cấu nợ theo ngành nghề của bất động sản ở mức rất cao, chiếm đến 74,1%, cho thấy rủi ro tín dụng lớn ở lĩnh vực này.

Về vấn đề trích lập dự phòng, MSB trích lập hơn 1.183 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 843 tỷ đồng của năm 2020. Tuy nhiên mức tăng này không đáng kể so với sự gia tăng 15,9% của quy mô tín dụng, chứng tỏ MSB đang quản lý nợ xấu và trích lập dự phòng một cách hiệu quả.

Tác giả: Diệu Mai

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến