Dòng sự kiện:
Giải pháp hạn chế tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng
11/11/2021 11:06:58
“Thay vì nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp”.

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt

Tính đến ngày 30/9/2021,theo thống kê từ BCTC của các nhà băng đã công bố, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng ở mức hơn 113.000 tỷ đồng, tăng tới gần 26% so với đầu năm. Trong đó, có tới 19/27 ngân hàng ghi nhận nợ xấu gia tăng, chỉ 8/27 thành viên công bố nợ xấu giảm.

Trong quý 3, có tới 19/27 ngân hàng ghi nhận nợ xấu gia tăng, chỉ 8/27 thành viên công bố nợ xấu giảm (ảnh minh hoạ)

Cụ thể, tại ngân hàng VietinBank, theo con số báo cáo, tổng nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 9/2021 tăng tới 90,1%, lên 18.097 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng nhiều nhất về con số tuyệt đối (8.579 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng cũng tăng mạnh từ 0,94% lên 1,67%.

Còn tại NamABank, kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng lên tới 1.849 tỷ đồng, tăng tới 148,7% so với đầu năm. Nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nợ nhóm 3 và 5, với mức tăng lần lượt 271% và 147%. Trong khi đó cho vay khách hàng chỉ tăng 9,5% lên gần 97.606 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng mạnh từ 0,83% hồi đầu năm lên 1,89% khi kết thúc quý 3/2021.

Cùng trong nhóm nợ xấu tăng mạnh, kết thúc 9 tháng, nợ xấu nội bảng của ABBank cũng tăng 46,5% so với đầu năm, lên 1.939 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó tăng lên 2,94%, từ mức 2,79% hồi đầu năm.

Ngoài ra, hàng loạt các ngân hàng khác có nợ xấu tăng mạnh trong kỳ bao gồm Vietcombank (108%), VietBank (58,5%), ACB (53,4%),…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tính đến cuối tháng 6/2021, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,66% và thêm cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại theo Thông tư 01 thì tỷ lệ này là 7,21%.

“Tuy nhiên, đơn vị quản lý và Chính phủ đã cơ bản nắm được thực trạng nợ xấu và đề ra những phương án giải quyết. Các Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 là một trong những phương án tạm thời vừa hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và cả ngân hàng để không gây tắc nghẽn mạch máu kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN nói.

Trong 9 tháng qua, tỷ lệ trích lập dự phòng và tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng vẫn rất tích cực. Trong đó, các ngân hàng có tổng tài sản lớn có ưu thế về nguồn lực hơn để gia tăng dự phòng rủi ro so với nhóm ngân hàng nhỏ. Dẫn đầu về tốc độ gia tăng trích lập dự phòng rủi ro trong 9 tháng đầu năm lần lượt là ACB (tăng 93%), MB (tăng 73%), CTG (tăng 70%), BID (tăng 57%), VPBank (tăng 38%), VCB (tăng 37%); chỉ có 3 ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro trong 9 tháng là EIB (-23%), TPBank (-16,6%), PGBank (-3,5%).

Các chuyên gia đều nhận định rằng, nợ xấu có thể sẽ tiếp tục xấu trong quý 4 năm nay và gánh nặng dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận nhiều ngân hàng về cuối năm. Tuy nhiên, việc gia tăng trích lập dự phòng này được cho là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn rất nhiều bất định, ảnh hưởng tới sức khoẻ và khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Sẽ không hạ chuẩn cho vay

Trước những khó khăn về dòng tiền khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp mong Chính phủ sớm có các quyết sách quyết liệt về trung và dài hạn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm giảm việc mất khả năng thanh khoản, kích thích tiêu dùng trong nước… Đại diện Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà kiến nghị: “Tôi cho rằng, cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng dư nợ, tăng nợ xấu (ảnh minh hoạ)

Mới đây nhất, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng dư nợ, tăng nợ xấu. Bởi vậy, tổ chức tín dụng cần cân nhắc kỹ lưỡng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động.

Thống đốc cũng nêu dẫn chứng về cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007, bắt nguồn từ việc trong giai đoạn 2003-2005, các ngân hàng tại Mỹ đã hạ chuẩn cho vay, mở rộng tín dụng đến những người vay không đảm bảo điều kiện vay vốn. Lượng nợ xấu tích tụ khi người vay dưới chuẩn không thể trả nợ sau đó đã khiến nhiều ngân hàng phá sản từ cuối năm 2006, tác động lan truyền trên toàn hệ thống và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Do vậy, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn, thì cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. NHNN cũng sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

Về giải pháp hạn chế tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, cần khoanh nợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có cơ sở xác định được khoản nợ, công nhận là nợ xấu mà Chính phủ tạm thời khoanh lại trong một khoảng thời gian, để doanh nghiệp có khả năng phục hồi và tiếp tục xem xét cho vay mới; Đồng thời không ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Theo NHNN, tín dụng năm nay tăng ngay từ đầu năm và tăng cao hơn so với năm 2020. Tính đến ngày 26/10/2021, tín dụng tăng 8,1% so với cuối năm 2020 và tăng 14,26% so với cùng kỳ năm 2020.

Các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 250.000 tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 540.000 tỷ đồng; (ii) Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 3,5 triệu tỷ đồng; lũy kế từ 23/01/2020 đến 25/10/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng gần 30.000 tỷ đồng; (iii) Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn phù hợp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa; tiếp tục triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán; đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Tác giả: Diễm Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến