Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) đang nhộn nhịp trở lại. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 7 tháng qua vẫn đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 18 ngành, lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam thì thu hút đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với hơn 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD.
Các chuyên gia bất động sản nhận định thu hút FDI vẫn khả quan và kỳ vọng vào sự ra đời của nhiều nhà máy sản xuất lớn tại nhiều khu vực trong cả nước sẽ là cơ sở thuận lợi để bất động sản công nghiệp tiếp tục phát triển, duy trì ưu thế trên thị trường.
Công ty Savills Việt Nam dẫn chứng mặc dù những tháng đầu Việt Nam phải chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực như các thương vụ mua bán sáp nhật doanh nghiệp cũng như sự gia tăng các diện tích đất công nghiệp mới.
Điển hình là những nhà máy sản xuất có quy mô lớn nhất trong 2 quý đầu của năm 2021 là những dự án được đầu tư bởi các nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore tại hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.
Phân tích chung về thị trường, ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, tính theo khu vực thì phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần.
Tiếp theo là khu vực phía Nam với 728 triệu USD, tương đương 23% và khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD, khoảng13%.
Còn nếu xét theo các tỉnh thì Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, theo sau là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Đại diện khu vực phía Nam là Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Hong Kong (Trung Quốc) có số vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất cao nhất trong nửa đầu năm với hơn 852 triệu USD, chiếm 27% thị phần.
Singapore đứng ở vị trí thứ hai với 655 USD tương đương khoảng 21%, tiếp theo là Trung Quốc với 549 triệu USD tương đương 18% và Hàn Quốc với 330 triệu USD, tương ứng với 11%.
Các dự án sản xuất lớn nhất trong những tháng đầu năm là của Công ty Jinko Solar và Fukang Technology đến từ Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore với số vốn đầu tư lần lượt là 498 triệu USD và 270 triệu USD tại các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Tuy nhiên, tại khu vực phía Nam lại không có khoản đầu tư nào rót vốn vào lĩnh vực sản xuất và chế biến.
Đáng chú ý, các dự án mới được ghi nhận như diện tích 81.000m2 của Logos Property tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý 4/2021.
Cùng đó, một nhà đầu tư khá mới trên thị trường là Công ty cổ phần Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Nam đã mua lại quỹ đất rộng 250ha với vốn đầu tư 300 triệu USD và đặt mục tiêu phát triển các nhà máy, kho cho thuê phân khúc cao cấp, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài toàn quốc từ Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương đến Đồng Nai, Long An.
Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp còn thể hiện qua hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Ông John Campbell cho biết thị trường chứng kiến một số các thương vụ M&A mới trong những tháng đầu năm 2021 với việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Boustead Projects đã đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Công nghiệp Logistics KTG & Boustead.
Nếu thành công, sự hợp tác này sẽ mang tới 13 tài sản bất động sản (10 bất động sản trong số đó thuộc về KTG và 3 thuộc về Boustead Projects) với tổng giá trị tài sản lên tới 141 triệu USD, bao gồm khoảng 840.000m2 diện tích đất và khoảng 550.000m2 tổng diện tích cho thuê.
Cùng đó, ESR Cayman Limited - nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BW) - nhà phát triển và vận hành bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam cũng đã liên doanh để phát triển 240.000m2 diện tích bất động sản công nghiệp tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 gần Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR vào thị trường Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động của tập đoàn này trong khu vực Đông Nam Á đang ngày càng phát triển. Điều này cho thấy lực hút của bất động sản công nghiệp vẫn rất lớn.
Dưới một góc nhìn khác, ông Paul Fisher - Tổng giám đốc JLL Việt Nam - đánh giá, Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, ghi nhận sự tăng tốc ồ ạt thương mại điện tử trong năm 2021 khi phần lớn người dân bị mắc kẹt ở nhà và chuyển sang trực tuyến.
Do đó, logistics là một phần không thể thiếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường thương mại điện tử. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, số lượng các quỹ đầu tư cốt lõi tiếp cận những lĩnh vực này ngày càng tăng, qua đó làm tăng khả năng diễn ra nhiều thương vụ giao dịch mua bán hoặc cho thuê quy mô lớn.
Không ít chủ sở hữu đang sử dụng phương án này để giải phóng vốn đầu tư nhằm nâng cấp cơ sở vật chất và triển khai các giải pháp công nghệ mới vào kho bãi và quản lý chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp đang tích cực áp dụng cônt nghệ và các giải pháp tự động hóa cùng với sự hiểu biết ngày càng tăng về tầm quan trọng của các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), tất cả đều hướng đến một quỹ đạo mới cho lĩnh vực bất động sản logistics và công nghiệp - ông Peter Guevara, Giám đốc Nghiên cứu thị trường châu Á-Thái Bình Dương của JLL - nhận định.
So với các nước khác trong khu vực, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, phát triển tại khu vực xa trung tâm.
Thị trường sẽ cần một lượng lớn nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển các cơ sở vật chất hiện đại. Với tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất, thị trường logistics Việt Nam sẽ bước lên một nấc thang cao hơn trong tiến trình phát triển.
Bất động sản hậu cần (logistics) và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất sẽ đón nhận nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chỉ mới bắt đầu tái phân bổ danh mục đầu tư và cần tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics lên 40-50% trong thời gian tới khi họ tìm cách phân bổ vốn vào các tài sản tạo ra thu nhập ổn định - bà Regina Lim - Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn, châu Á-Thái Bình Dương của JLL nhận định.
Tác giả: Thu Hằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy