Dòng sự kiện:
Bắt học sinh súc miệng bằng nước lau bảng: 'Tôi không thể cho cô cơ hội nào...'
06/04/2018 07:30:50
Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - khẳng định hành động bắt học sinh “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng của cô giáo ở Hải Phòng đã vi phạm nghiêm trọng Luật Trẻ em.

Một dạng bạo lực tinh thần

Phẫn nộ, tức giận là cảm xúc của bất kỳ ai khi đọc thông tin “Cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng”. Dù hiện tại cô giáo lên tiếng mình chỉ bắt học sinh súc miệng bằng nước bẩn chứ không phải bắt uống, nhưng theo bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN – dù “ngậm”, hay “súc miệng” hay bắt uống, thì hành vi của cô giáo là không thể chấp nhận. Cô đã quá sai.

Cô đã vi phạm Điều 6 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Trẻ em 2016, chưa kể các quy định liên quan của ngành giáo dục về việc xử lý vi phạm với học sinh. Đây cũng là một hình thức bạo lực tinh thần trẻ em. Hành vi này với bất kể ai đều không được cho phép.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em lên án hành động bắt học sinh “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng của cô giáo ở Hải Phòng. Chúng tôi có kiến nghị với các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc này để tạo tính răn đe” -  đại diện Hội Bảo vệ Quyền trẻ em bày tỏ quan điểm.

Chẳng lẽ cô không biết giẻ lau bẩn như thế nào?

Ngoài việc lên án hành hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe trẻ em nói trên, theo bà Ninh Thị Hồng, dù mới vào nghề, cô Nguyễn Thị Minh Hương (Trường tiểu học An Đồng, Hải Phòng) đã “sáng tạo” ra hình phạt trái với đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh như vậy, chứng tỏ nhận thức của cô đã không ổn, suy nghĩ thiển cận và không có kỹ năng sư phạm.

“Từ nhận thức mới ra hành động, nhận thức của cô giáo như vậy là không được. Tôi nghĩ không thể cho cô cơ hội nào để sửa chữa lỗi lầm. Cô nên chọn một việc khác, nghề giáo không phù hợp với cô.

Chẳng lẽ cô không biết giẻ lau bảng bẩn như thế nào mà lại xúc phạm học sinh đến mức bắt trẻ học lớp 3 ngậm nước đó trong miệng. Học sinh sợ hãi, có thể em đã uống vào bụng, như vậy là rất nguy hiểm.

Đang trong thời gian thử làm một nhà giáo, mà đã vi phạm nghiêm trọng. Tôi nghĩ cần cần chấm dứt hợp đồng lao động với cô. Cô không xứng đáng gọi là nhà giáo”- bà Hồng chia sẻ.

Cũng theo đại diện Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, đây là bài học không chỉ riêng cho cô giáo ở Hải Phòng, mà cho cả ngành giáo dục. Có thể dùng hình phạt để học sinh ngoan hơn, nhưng thầy cô không thể có những hình thức nhục mạ, bạo hành về thể xác, tinh thần của học sinh; hay "sáng tạo" ra một hình phạt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh và gây phẫn nộ trong dư luận xã hội như vậy.

"Tôi không hiểu trong quá trình đào tạo, các trường sư phạm ngoài dạy về chuyên môn, có môn nào nói đến đạo đức ứng xử của thầy cô giáo với học sinh hay không, mà để cô giáo có hành vi không thể chấp nhận như vậy?" - bà Ninh Thị Hồng.

Theo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến