Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) hé lộ một số thông tin tương đối thú vị.
Trong quý IV/2021, Vietcombank đã giảm bớt được 11% chi phí hoạt động và 5% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tương đương giảm được gần 600 tỷ đồng. Kết quả trên giúp nhà băng này báo lãi trước thuế 8.064 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Khoản lãi trước thuế cao nhất kể từ khi hoạt động giúp lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 của Vietcombank đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020 và cao nhất hệ thống ngân hàng. Sau khi trừ thuế, ngân hàng này báo lãi 21.928 tỷ đồng.
Một trong những điểm gây bất ngờ là bất chấp đại dịch Covid-19 năm 2021 ở TPHCM - một trong những thị trường lớn ở khu vực phía Nam - căng thẳng, thì hoạt động kinh doanh tại khu vực phía Nam lại là "gà đẻ trứng vàng" cho Vietcombank khi đóng góp 14.397 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 66% trong tổng số lãi sau thuế của ngân hàng. Trong khi đó, phần từ miền Bắc là gần 2.788 tỷ đồng (chiếm 13%), miền Trung và Tây Nguyên là 4.684 tỷ đồng (chiếm 21%).
Đáng chú ý, cho vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Vietcombank. Số thu từ tín dụng năm 2021 lên tới 41.847 tỷ đồng, chiếm 77% tổng doanh thu hoạt động. Theo khu vực địa lý, thu nhập lãi thuần của Vietcombank ở miền Nam nổi bật nhất, lên tới gần 19.500 tỷ đồng trong giai đoạn năm tài chính 2021. Số liệu này ở miền Bắc chỉ là 16.116 tỷ đồng, miền Trung và Tây Nguyên là 6.665 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi thuần về hoạt động dịch vụ, một trong những mảng các ngân hàng muốn đẩy mạnh thì tại Vietcombank, miền Bắc lại nổi trội với hơn 4.066 tỷ đồng, miền Nam gần 2.691 tỷ đồng, miền Trung và Tây Nguyên đạt hơn 715,8 tỷ đồng.
Tại khoản mục chi phí từ hoạt động dịch vụ, Vietcombank tiết lộ đã phải chi ra 137 tỷ đồng cho dịch vụ viễn thông. Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng bức xúc khi từ năm 2022 Vietcombank thay đổi phí dịch vụ SMS Banking từ cố định 11.000 đồng/tháng/số điện thoại sang tính phí theo lượng tin nhắn trong tháng, cao nhất có thể lên tới 77.000 đồng. Theo đại diện ngân hàng thì việc này nhằm khuyến khích khách hàng chuyển sang dùng dịch vụ ngân hàng số.
(Biểu đồ: Văn Hưng).
Một điểm đáng chú ý là các khoản phải thu của nhà băng tăng gần 10.000 tỷ đồng, lên mức 16.259 tỷ đồng. Vietcombank cho biết trong kỳ, các khoản phải thu nội bộ thay đổi không đáng kể, trong khi các khoản phải thu bên ngoài biến động mạnh.
Các khoản phải thu bên ngoài gồm phải thu trong thanh toán L/C được thanh toán trước hạn tăng gấp 4,8 lần, lên mức 8.069 tỷ đồng; các khoản phải thu khác tăng gấp 2,4 lần, lên 4.224 tỷ đồng; khoản tạm ứng tài sản cố định cũng tăng từ 801 tỷ đồng lên 1.156 tỷ đồng.
Bất chấp đại dịch khó khăn, chi phí xây dựng dở dang (chủ yếu là xây dựng chi nhánh của ngân hàng này tại các tỉnh thành cả nước) tăng tới 71%, lên 770 tỷ đồng.
Tác giả: Văn Hưng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy