Liên quan đến vụ thông thầu thiết bị dạy học xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, Viện KSND Tối cao mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố 12 bị can về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong số này, bị can Phạm Thị Hằng là cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá; 11 bị can khác bị cáo buộc đồng phạm với bà Hằng, gồm: Trịnh Hữu Nghĩa (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT), Nguyễn Văn Phụng (phó trưởng phòng), Lê Văn Cương (cựu trưởng phòng thuộc Sở GD&ĐT), Bùi Trí Thức (chuyên viên), Nguyễn Quốc Việt (thẩm định viên Công ty BTC Value), Lê Thế Sơn (giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa), Vũ Thị Ninh (kế toán trưởng công ty sách) và Hồ Thị Sáu (nhân viên Công ty BTC Value)...
Thủ đoạn thông thầu của nhóm lợi ích
Theo cáo trạng, từ năm 2019 đến năm 2020, Sở GD&ĐT Thanh Hoá đã triển khai thực hiện 2 gói thầu mua sắm đồ dùng dạy học lớp 1. Gói thầu thứ nhất là gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2020-2021 cho 169 trường vùng đặc biệt khó khăn và vận chuyển lắp đặt thiết bị; gói thầu thứ 2 là gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2020-2021 và vận chuyển lắp đặt thiết bị cho 512 trường.
Bị can Phạm Thị Hằng khi còn là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa
Khoảng đầu tháng 9/2019, sau khi biết Sở GD&ĐT Thanh Hoá có chủ trương tổ chức đấu thầu gói thầu số 1, Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty sách Thanh Hoá đến gặp Phạm Thị Hằng xin tham gia tạo điều kiện để trúng gói thầu.
Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo Lê Văn Cương, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính; Nguyễn Văn Phụng, Chuyên viên Phòng Kế hoạch tài chính tạo điều kiện cho Công ty sách Thanh Hoá trúng thầu.
Để hợp thức hóa hồ sơ, đủ điều kiện trúng thầu, Cương, Phụng và Sơn thống nhất lập danh mục thiết bị, giá từng loại thiết bị dạy học lớp 1. Sau đó, Sơn liên hệ với Bùi Việt Long, Phó Trưởng phòng kinh doanh Công ty Hoàng Đạo lấy thông số kỹ thuật, cấu hình, giá máy chiếu…
Long chủ động làm file thông số kỹ thuật, cấu hình của máy chiếu dựa trên Catalog máy chiếu Optoma JXA511 của hãng Optoma, thêm các tiêu chuẩn khác rồi bôi đỏ những yêu cầu thông số đặc trưng trên để hướng dẫn Sơn “cài thầu” với mục đích làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác.
Trên cơ sở đề xuất của Nguyễn Văn Phụng và Lê Văn Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hằng đã ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thực hiện gói thầu, đồng thời ký Văn bản gửi Sở Tài chính đề nghị phân bổ kinh phí cho gói thầu số 1.
Công ty thẩm định giá BTC Value là đơn vị được lựa chọn. Tuy nhiên, khi thẩm định giá, Công ty này không đi khảo sát thực tế thị trường, không thu thập thông tin giá tài sản mà sử dụng danh mục, giá thiết bị của Nguyễn Văn Phụng, Lê Thế Sơn được thống nhất từ trước rồi sửa dự thảo chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của Sơn và Phụng.
Từ danh mục đã được các bị can trên thống nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt danh mục, dự toán mua đồ dùng dạy học gói thầu số 1 với tổng dự toán kinh phí trên 33,6 tỷ đồng.
Việc thông thầu còn thể hiện, Phạm Thị Hằng ký Quyết định chỉ định Công ty Nam Anh do Nguyễn Duy Linh làm Giám đốc, là đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu số 1 mà không thẩm định hồ sơ năng lực của công ty này. Trong khi bản thân Nguyễn Duy Linh là giám đốc công ty không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định.
Sau đó, Linh đã soạn thảo biên bản thương thảo Hợp đồng, hợp đồng tư vấn, quyết định chỉ định thầu gửi cho Bùi Trí Thức, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT Thanh Hóa để Thức “hợp thức hóa” trình bà Hằng ký phê duyệt để lập hồ sơ mời thầu.
Trên thực tế toàn bộ công việc lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu số 1 đều do Nguyễn Duy Linh thực hiện theo yêu cầu, thống nhất của Nguyễn Văn Phụng, Lê Văn Cương và Lê Thế Sơn.
Sai phạm chưa dừng lại, Công ty sách Thanh Hoá còn nhờ công ty khác cùng tham gia dự thầu với vai trò “quân xanh”.
Kết quả điều tra cũng xác định, quá trình thực hiện gói thầu số 2, hành vi sai phạm của các bị can cũng tương tự như gói thầu số 1. Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo Trịnh Hữu Nghĩa (lúc này là Phó phòng Kế hoạch – tài chính phụ trách thay cho Lê Văn Cương đã nghỉ hưu); Nguyễn Văn Phụng tạo điều kiện theo đề nghị của Lê Thế Sơn.
Tuy nhiên, do gói thầu số 2 có giá trị lớn (gần 87 tỷ đồng), Công ty Sách Thanh Hóa không đủ năng lực để tham gia, do vậy Sơn đã chủ động liên hệ với Công ty Hoàng Đạo, Công ty Khang An, Công ty Nam Hoa và Công ty Long Thành đề nghị cùng tham gia liên danh đấu thầu với tên gọi Liên danh Thanh Hà - Thanh Hóa.
Do đã thông đồng, sắp xếp từ trước nên Liên danh Thanh Hà (Công ty Sách Thanh Hóa, Công ty Hoàng Đạo) và Liên danh Thanh Hà – Thanh Hóa (tất cả đều do Sơn điều hành) đã đấu thầu và dễ dàng trúng 2 gói thầu trên có tổng giá trị 119,6 tỷ đồng (gói số 1 trị giá 32,6 tỷ đồng; gói số 2 gần 87 tỷ đồng).
Cựu giám đốc và thuộc cấp bỏ túi 6 tỷ đồng
Cáo trạng cũng thể hiện, sau khi kết thúc mỗi gói thầu, Lê Thế Sơn đã đến phòng làm việc “lại quả” cho Nguyễn Văn Phụng mỗi lần 3 tỷ đồng (tổng cộng 6 tỷ đồng).
Sau đó, Phụng đã đưa cho Phạm Thị Hằng 3 tỷ đồng; Trịnh Hữu Nghĩa 1,65 tỷ đồng; Lê Văn Cương 250 triệu đồng; Nguyễn Văn Phụng 700 triệu đồng; Bùi Trí Thức 300 triệu đồng. Số tiền còn lại 300 triệu đồng Phụng khai giữ lại cho Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT Thanh Hóa chi vào việc chung.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định, quá trình tổ chức triển khai thực hiện 2 gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1, các bị can Phạm Thị Hằng, Lê Văn Cương, Trịnh Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Phụng, Bùi Trí Thức, Lê Thế Sơn, Vũ Thị Ninh, Đặng Xuân Minh, Nguyễn Quốc Việt, Hồ Thị Sáu, Nguyễn Duy Linh, Bùi Việt Long đã có hành vi thông thầu, không đảm bảo công bằng minh bạch, tiết lộ tiếp nhận những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu theo Điều 89, Luật Đấu thầu 2013, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 20,8 tỷ đồng.
Trong đó, tại gói thầu số 1 giá trị thực tế là 24,9 tỷ đồng nhưng đã được Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nâng khống lên 32,6 tỷ đồng (chênh lệch 7,6 tỷ đồng).
Tại gói thầu số 2, giá trị thẩm định thực tế là 73,7 tỷ đồng, trong khi gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa thực hiện gần 87 tỉ đồng (nâng khống 13,2 tỷ đồng). Tổng giá trị 2 gói thầu do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nâng khống, gây thất thoát ngân sách nhà nước là trên 20,8 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, các bị can Phạm Thị Hằng đã nộp khắc phục hậu quả 5 tỷ đồng; Lê Thế Sơn 2 tỷ đồng; Nguyễn Văn Phụng 700 triệu đồng; Lê Văn Cương 550 triệu đồng…
Hồi tháng 7/2021, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá và một số công ty liên quan. Đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Thị Hằng, Trịnh Hữu Nghĩa; Nguyễn Văn Phụng; Lê Thế Sơn, và những người khác để điều tra về tội danh trên.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy