Trong đơn thư gửi đến ANTT, ông Huỳnh Đăng Truyền (SN 1957), trú ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) kể, sau giải phóng đất nước, gia đình ông cùng một số hộ dân đã di chuyển tới khu vực ven biển thôn Cảnh Dương để sinh sống và lập nghiệp.
Năm 1993, tận dụng những khoảng trống hoang hóa trong vùng đất ven biển trước nhà, ông Truyền và các thành viên trong gia đình đã làm hồ nuôi cá rồi trồng tre xung quanh để tăng thêm thu nhập.
Ông Huỳnh Đăng Truyền bên mảnh đất gia đình gắn bó hàng chục năm.
Ông Truyền cho biết, năm 1995, khi nghe tin diện tích này được chuyển đổi thành rừng sản xuất, ông đã viết đơn xin chính quyền địa phương xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) thửa đất mình đang canh tác nhưng bị UBND xã Lộc Vĩnh từ chối với lý do đây là đất rừng do xã quản lý.
Dù không được cấp GCNQSD đất nhưng gia đình ông vẫn tiếp tục trồng tre nhằm chắn gió biển khỏa lấp nhiều khoảng trống khu rừng, đồng thời trồng xen lẫn cây keo lá tràm. Thời gian gần đây, sau nhiều năm gắn bó với diện tích đất này, ông Truyền tiếp tục viết đơn xin được cấp GCNQSD đất thì bất ngờ trước thông tin, những thửa đất mà mình đang canh tác đã được cấp sổ đỏ cho người khác.
"Thấy bất thường trong chuyện này, tôi đã viết đơn gửi các cấp có thẩm quyền để trả lời làm rõ. Tại sao đã gắn bó với diện tích đất này hàng chục năm, nhiều lần viết đơn xin cấp sổ đỏ nhưng giờ lại cấp cho người khác. Tôi muốn biết, người được cấp là ai nhằm đối chất xem thửa đất ấy có được cấp đúng đối tượng không?", ông Truyền tỏ ra bức xúc.
Xác nhận việc ông Huỳnh Đăng Truyền gắn bó với diện tích đất trên, ông Phan Như Ngọc, từng là Trưởng thôn Cảnh Dương qua nhiều năm cho biết, sau khi về làm nhà ở khu vực này, từ năm 1993 chỉ có ông Truyền là người "khai hoang", trồng trọt chăn nuôi trên mảnh đất này.
Không chỉ ông Ngọc mà nhiều hộ dân sống cạnh đó như ông Lê Công Túc, Hoàng Văn Sinh, Nguyễn Văn Chương, Lê Công Lành... cũng xác nhận chuyện này.
Đi tìm câu trả lời, PV tìm gặp lãnh đạo xã Lộc Vĩnh. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã này cho biết, đã nhận được đơn xin cấp GCNQSD đất của ông Truyền nhưng UBND xã không xác nhận vì diện tích đất này đã được giao cho người khác từ năm 1995 và được cấp sổ đỏ từ năm 2010. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi về cá nhân nào được giao đất, cấp sổ đỏ thì ông Minh cho hay, thông tin này PV nên gặp Phòng TN&MT huyện để tìm hiểu.
Tiếp đó, PV tìm gặp ông Nguyễn Văn Lý, Chuyên viên phòng TN&MT huyện Phú Lộc, người trực tiếp phụ trách làm rõ đơn thư của ông Truyền.
Vị cán bộ này thông tin, sau khi kiểm tra, sao lục các hồ sơ liên quan thì thửa đất mà ông Truyền xin cấp GCNQSD đất trước năm 1995 là rừng phi lao dọc bờ biển Cảnh Dương - Bình An thuộc UBND xã Lộc Vĩnh quản lý. Sau đó, UBND huyện đã có quyết định giao đất cho 15 hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ sử dụng vào mục đích lâm nghiệp với diện tích đất 24.0000m2. Đến năm 2010, những chủ đất này được cấp GCNQSD đất.
"Từ những căn cứ nêu trên, việc ông Huỳnh Đăng Truyền có đơn xin cấp GCNQSD đất trên diện tích đã cấp cho người khác là không có cơ sở để xem xét và giải quyết", ông Lý cho hay. Nghi ngờ về những cá nhân được giao, cấp đất liệu có đúng đối tượng, khi PV yêu cầu được nắm danh sách 15 người đứng tên các lô đất thuộc khu vực này thì ông Lý cho biết, thông tin này PV nên tìm gặp Chi nhánh Văn phòng đăng ký sử dụng đất đai để nắm rõ hơn.
Bản đồ giải thửa và danh sách của 15 chủ sử dụng đất ở khu vực đất ông Truyền canh tác nhiều năm.
Theo điều tra của PV, diện tích đất mà ông Truyền từng "khai hoang", gắn bó và mong mỏi được cấp GCNQSD đất hiện đang đứng tên 2 người nguyên là cán bộ huyện Phú Lộc, trong đó có ông Phạm Viết Phong, nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc; ông Nguyễn Kim Trường, nguyên là Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Lộc.
Danh sách chủ 13 lô đất liền kề còn lại gồm các cá nhân sau: Nguyễn Mãi, Phạm Xuân Thư, Hồ Trọng Cầu, Lê Thị Kim, Nguyễn Kha, Lê Thị Xuân Mai, Nguyễn Văn Tiến, Trần Trai, Nguyễn Thị Xô, Trần Tuyết Lan, Dương Quang Kháng, Nguyễn Thị Nghị, Nguyễn Xê.
Nguồn tin của PV được biết, đây đều là những cán bộ, cựu cán bộ và người nhà cán bộ huyện này. Đáng chú ý, trong đó có ông Hồ Trọng Cầu, hiện đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Tiến, hiện đang là cán bộ HĐND tỉnh...
Lê Kông
- Thừa Thiên - Huế: Nguyên chủ tịch xã chiếm đoạt 13 lô đất cho người thân
- Vụ nguyên chủ tịch xã chiếm đoạt 13 lô đất cho người nhà: Ai tố cáo?
- Dân kêu cứu trước nguy cơ 'mất trắng' đất bị nguyên chủ tịch xã chiếm đoạt
- Vụ nguyên chủ tịch xã chiếm dụng đất cho người thân: Chuyển hồ sơ cho công an
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy