Dòng sự kiện:
Bẫy ngân hàng trung ương
24/08/2020 14:50:35
Các ngân hàng trung ương đã đưa mình vào thế khó khi giải quyết khủng hoảng nợ bằng cách tăng thêm nợ.

Tình huống éo le

Chưa bao giờ ngân hàng trung ương các nước lại đồng lòng như hiện nay khi từ Mỹ, Canada, châu Âu cho đến Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Brazil, Mexico... từ nhiều tháng qua đã công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), chẳng hạn, đã triển khai nhiều hành động để hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra, trong đó có gói cho vay lên tới 2.300 tỉ USD để hỗ trợ các hộ gia đình, chủ sử dụng lao động, các thị trường tài chính cũng như các chính quyền bang và địa phương.

Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) cũng quyết định duy trì chính sách tiền tệ "siêu nới lỏng", giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% trong khi lãi suất dài hạn quanh mức 0%. “Nền kinh tế đang trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng do tác động của COVID-19 ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài”, BOJ nhận định.

Cơ quan này dự báo kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng -4,7% và chỉ số giá tiêu dùng sẽ giảm 0,5% trong năm tài chính 2020 kết thúc vào tháng 3.2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch. Tỉ lệ phá sản ở Nhật đã tăng 6,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ, trong khi tỉ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 2,9% vào tháng 5.

Sau cuộc họp chính sách vào tháng 7, BOJ quyết định duy trì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp lên tới 1.000 tỉ USD, trong đó có chương trình cho doanh nghiệp vay không lãi suất cũng như mua lại trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu như đã công bố trước đó.

Các ngân hàng trung ương từ nhiều năm qua vẫn luôn khuyến cáo mối nguy hiểm chết người từ việc nợ doanh nghiệp tăng mạnh. Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các ngân hàng trung ương đã và đang bơm lượng vốn với quy mô chưa từng có vào nền kinh tế nhằm đối phó với đại dịch và hệ quả là càng đẩy cao cơn sốt nợ doanh nghiệp.


Chính điều này đã đặt các ngân hàng trung ương vào một tình huống cực kỳ éo le. Để xoa dịu cơn khủng hoảng nợ, các nhà làm chính sách đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay thậm chí nhiều hơn, từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ tiếp theo.

Không ngân hàng trung ương nào muốn cổ xúy cho việc vay mượn quá mức nhưng cũng không ngân hàng trung ương nào có thể đứng yên nhìn các công ty vỡ nợ, bởi nếu điều đó xảy ra sẽ đẩy cao tỉ lệ thất nghiệp và bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế.

“Giải pháp được lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ chính là tăng thêm nợ. Đây là một con đường không có lối thoát. Bạn không thể lùi bước trừ phi bạn có thể tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cực kỳ mạnh mẽ để bù vào đó”, Hans Mikkelsen, chiến lược gia tín dụng tại Bank of America, nhận định.

Rủi ro hiện nay là đà phục hồi toàn cầu sẽ chịu một bước lùi nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nếu điều đó xảy ra, việc cho các doanh nghiệp vay thêm chẳng những không giúp họ cải thiện được lợi nhuận mà còn tăng thêm nợ, vốn dĩ đã rất lớn. Chẳng hạn, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng USD từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh, còn cao hơn cả năm 2019, theo số liệu từ Refinitiv.

Một lượng nợ lớn chưa từng có dự kiến sẽ đáo hạn vào năm tới. Trong khi đó, vay nợ vẫn đang gia tăng. Nợ ròng/EBITDA của các doanh nghiệp hàng đầu - một chỉ số đo lường "sức nặng" khoản nợ tại doanh nghiệp - đã hơn 2,4 lần vào cuối quý II/2020, cao nhất trong 19 năm theo dõi dữ liệu này của Bank of America. Các chuyên gia phân tích của Bank of America cũng dự đoán tỉ lệ này sẽ đạt đỉnh ở mức 3,2 lần vào cuối năm nay.

Không còn nhiều dư địa để tăng lãi suất

Cho dù đà phục hồi có kéo dài thì khoản nợ chồng chất của khu vực doanh nghiệp cũng sẽ khiến cho chính phủ các nước không còn nhiều dư địa để tăng lãi suất, do e ngại đẩy cao chi phí tái cấp vốn. “Các ngân hàng trung ương sẽ lại than phiền về nợ vay doanh nghiệp nhưng đó cũng là tình huống do chính họ tạo ra”, Mikkelsen nhận xét.


Tình cảnh này đã từng xảy ra trong quá khứ. Để vực dậy nền kinh tế èo uột theo sau cuộc sụp đổ tài chính năm 2008, FED đã giảm mạnh lãi suất và triển khai chính sách nới lỏng định lượng qua việc mua lại các loại trái phiếu thế chấp và nợ chính phủ, buộc nhà đầu tư phải đi tìm mức sinh lời cao hơn ở các tài sản rủi ro hơn như trái phiếu doanh nghiệp.

Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2008-2018 lên tới hơn 12.000 tỉ USD, theo số liệu Refinitiv. Khi FED tăng dần lãi suất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, cơ quan này cũng bắt đầu khuyến cáo về tình trạng nặng nợ của các doanh nghiệp.

Nguồn ảnh: Forbes

Tháng 9/2019, bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc FED, từng lo ngại nợ doanh nghiệp quá lớn có thể làm trầm trọng các cú sốc và gây mất việc làm. “Những doanh nghiệp nặng nợ phải chịu sức ép trả nợ khi lợi nhuận bất ngờ giảm xuống, họ có thể đối phó bằng cách hạn chế tuyển lao động và giảm đầu tư.

Nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro hơn sẽ suy yếu, càng làm sụt giảm giá trị của doanh nghiệp. Khi mức lỗ doanh nghiệp tăng tốc và tình trạng vỡ nợ gia tăng, các ngân hàng càng e ngại cho vay. Vòng lẩn quẩn này cứ thế sẽ càng làm trầm trọng các cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế”, bà nói.

Những dấu hiệu này dường như đã xảy ra vào tháng 3/2020. Lợi nhuận giảm nhanh và đột ngột, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt, hoạt động cho vay chậm lại khi giá trái phiếu lao dốc và doanh nghiệp bắt đầu vỡ nợ. Sau đó FED tuyên bố sẽ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng và mua vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngay lập tức, thông tin này đã làm hạ nhiệt lợi suất, đẩy cao giá cả và mở ra thời kỳ vay mượn lớn nhất, nhanh nhất từ trước đến nay. Các doanh nghiệp từ hàng không cho đến tàu thủy đang trên bờ vực phá sản đã có thể huy động vốn để duy trì hoạt động. Ý đồ của FED là nhằm giúp các thị trường vận hành trở lại chứ không phải cứu vớt những công ty thất bại, nhưng tách bạch 2 việc này là không dễ dàng.

“Sự can thiệp về mặt chính sách có thể giúp doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn lợi nhuận yếu ớt bằng cách phát hành nợ mới và mở rộng tín dụng hiện có”, báo cáo ổn định tài chính mới nhất của FED ghi rõ. Theo báo cáo, nhiều trong số các doanh nghiệp này sẽ gánh khoản nợ lớn hơn, cho thấy mức độ tổn thương ở khu vực doanh nghiệp sẽ trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Không có tăng trưởng và lạm phát bù đắp vào mức nợ tăng lên, các ngân hàng trung ương gần như không có lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục cắn răng mở cánh cửa tiền tệ nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể vay để trả các khoản nợ mới. “Nếu họ không làm điều đó, sẽ có nhiều cuộc vỡ nợ quy mô lớn và suy thoái kinh tế sẽ xảy ra”, Mikkelsen nhận định.

Tác giả: Quốc Ngô

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến