Dòng sự kiện:
'Bảy nổi ba chìm' số phận những lô ‘đất vàng’ của bộ VH-TT&DL sau khi về tay tư nhân
17/03/2020 07:30:56
Quá trình những lô 'đất vàng' của Bộ VH-TT&DL khi về tay nhà đầu tư tư nhân có lô đã ảnh hưởng lớn tới công nhân viên, có lô biến thành dự án tiền tỷ và đặc biệt có khu đất khiến nhiều người vướng vòng lao lý.

Ngày 1/12/2011, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 2218/TTg-ĐMDN do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký, gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, trong số 25 doanh nghiệp thuộc Bộ VH-TT&DL, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho cơ quan này bán 1 doanh nghiệp, giữ 100% vốn tại 7 đơn vị (phần lớn trong lĩnh vực xuất bản) và cổ phần hoá 17 doanh nghiệp còn lại.

Chính sách cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước mở ra cơ hội cho dòng vốn tư nhân. Đối với nhà đầu tư ngoài quốc doanh, sự hấp dẫn của những thành viên Bộ VH-TT&DLL, ngoài lợi thế về ngành nghề, thì không thể không kể đến là quỹ đất họ đang nắm giữ.

Sức hút càng tăng lên bội phần khi phần lớn đất đai, do nhiều hạn chế của quy định pháp luật hiện hành nên không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hoá.

Trong số 17 doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn, không ít đơn vị có lợi thế lớn về đất đai, có thể kể đến Công ty Khách sạn Du lịch Thắng Lợi, Công ty Du lịch Dầu khí Việt Nam (OSC), Công ty In Trần Phú, Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải Phóng, Công ty In và Văn hoá phẩm, Công ty Sách Việt Nam, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam.

Cách Vũ Nhôm lấy "đất vàng" 15 Thi Sách

Hãng phim Giải Phóng đã thất bại trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng như chào bán cổ phần ra công chúng trong đợt cổ phần hoá năm 2015.

Sở dĩ Phim Giải Phóng trở nên kém hấp dẫn là bởi tài sản có giá trị nhất đã bị "sang tay" ngay trước thềm cổ phần hoá. 

Hãng phim Giải Phóng không thể tìm được nhà đầu tư chiến lược do "đất vàng" ở số 15 Thi Sách đã bị sang tay cho công ty của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).

Đất vàng đường Thi Sách bị chiếm...

Cụ thể, khu nhà đất số 15 Thi Sách, có diện tích 2.345,3m2, được Cục Điện ảnh tiếp quản sau giải phóng và giao cho Xí nghiệp phim tổng hợp, sau đổi tên thành Hãng Phim Giải Phóng, Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng (Phim Giải Phóng) quản lý, sử dụng.

Sau khi UBND TP HCM xác lập sở hữu đối với lô đất, Phim Giải Phóng đã ký hợp đồng thuê lại với Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP HCM để làm trụ sở chính, trả tiền hàng tháng.

Tới năm 2006, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), công ty đã kêu gọi đầu tư xây dựng dự án "Tòa nhà đa năng, Trung tâm giải trí và Điện ảnh" trên khu đất số 15 Thi Sách. Do không chọn được đối tác đầu tư, dự án đã không được triển khai.

Sau đó 8 năm, lô đất 15 Thi Sách rơi vào "tầm ngắm" của Phan Văn Anh Vũ.

Cao ốc tọa lạc tại khu "đất vàng" 15 Thi Sách có 114 khách hàng mua sản phẩm với số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. (Ảnh: Hoàng Triều)

Theo kết luận điều tra, trong năm 2014, Phan Văn Anh Vũ đã 2 lần ký công văn (ngày 26/7 và 6/9) gửi tới công ty Phim Giải Phóng giới thiệu CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT, viết tắt: Bắc Nam 79) là công ty "bình phong" của Bộ Công An và đề nghị được sử dụng khu đất 15 Thi Sách cho công tác nghiệp vụ.

Tuy nhiên, Phim Giải Phóng không đồng ý với đề nghị này và có báo cáo số 213/PGP ngày 12/9/2014 để xin ý kiến Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL. Sự chối từ của Phim Giải Phóng chỉ làm chậm lại chứ không thể cản bước thâu tóm "đất vàng" 15 Thi Sách của Phan Văn Anh Vũ.

Dưới danh nghĩa công ty "bình phong" của Bộ Công an, Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ đã đề xuất lãnh đạo của bộ này ký nhiều văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định tại nhiều khu "đất vàng" trên địa bàn thành phố, trong đó có số 15 Thi Sách.

Cụ thể, ngày 23/6/2014, Thứ trưởng Bộ công an Trần Việt Tân đã gửi công văn đề nghị Bộ VHTTDL - cơ quan chủ quản của Phim Giải Phóng - cho công ty Bắc Nam 79 được nhận quyền thuê đất tại số 15 Thi Sách.

Tới ngày 9/10/2014, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã có công văn đồng ý cho Phim Giải Phóng bàn giao quyền thuê đất tại số 15 Thi Sách cho công ty Bắc Nam 79 để triển khai dự án theo hướng phục vụ an ninh như kiến nghị của Bộ Công an.

Chỉ 4 ngày sau, ngày 13/10/2014, Phim Giải Phóng đã nhượng quyền thuê nhà số 15 Thi Sách cho công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ và nhận về khoản tiền hỗ trợ 29,19 tỷ đồng. Đáng chú ý, khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê này, Phạm Văn Anh Vũ - trên tư cách người đại diện của Bắc Nam 79 - đã dùng cái tên Lê Văn Sáu, một trong ba tên mà Vũ tùy dùng (Phan Văn Anh Vũ, Trần Đại Vũ và Lê Văn Sáu).

Đến ngày 15/10/2014, Bắc Nam 79 đã chuyển khoản toàn bộ số tiền trên cho công ty Phim Giải Phóng.

Sau đó, Bắc Nam 79 tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thủ tục pháp lý để được chấp nhận là chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng, officetel tại 15 Thi Sách.

Liên quan đến việc giao đất số 15 Thi Sách cho công ty của Phan Văn Anh Vũ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ngày 19/11/2018 đã khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Giám đốc Sở TNMT TP HCM ông Đào Anh Kiệt và Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TNMT TP HCM ông Trương Văn Út.

Ông Nguyễn Hữu Tín và các bị cáo đã thực hiện không đúng quy định pháp luật dẫn đến việc Nhà nước thất thoát 6,7 tỷ đồng do CTCP xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền 802 tỷ đồng giá trị tiền sử dụng đất nhà nước chưa thu được.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 31/12/2019

Xử sơ thẩm, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín 7 năm tù, bị cáo Đào Anh Kiệt 6 năm 6 tháng tù, bị cáo Trương Văn Út 5 năm tù, bị cáo Lê Văn Thanh 4 năm tù, bị cáo Nguyễn Thanh Chương 3 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Tuy nhiên,ngày 15/1, TAND TP HCM cho biết đến nay tòa đã nhận được đơn kháng cáo của 2 bị cáo Nguyễn Thanh Chương và Lê Văn Thanh xin giảm nhẹ hình phạt. Theo các luật sư, hai bị cáo khác cũng nộp đơn kháng cáo tại trai giam T17 Bộ Công an.

"Đất vàng" Hãng phim truyện Việt Nam được định giá 0 đồng

Lô đất ở Thụy Khuê là trụ sở chính của Hãng phim truyện Việt Nam.

Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật với những tác phẩm điện ảnh kinh điển như bộ phim Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Em bé Hà Nội, Con chim vành khuyên,…

Sau hơn 60 năm tồn tại, được ví như "anh cả" của nền điện ảnh Việt Nam, tuy nhiên khoảng 20 năm gần đây, VFS rơi vào cảnh thua lỗ triền miên với con số lỗ lũy kế tính đến tháng 9/2014 là gần 40 tỷ đồng.

Cùng với đó, trụ sở chính tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội xuống cấp trầm trọng, dẫn đến việc một năm hãng chỉ sản xuất khoảng 2 phim đặt hàng của Nhà nước, còn lại hầu hết các nghệ sỹ đều phải đi kiếm thêm việc làm bên ngoài.

Trước tình trạng khó khăn trên, năm 2015, Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam nhận được yêu cầu về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. .

Tuy nhiên, ngay khi thực hiện cổ phần hóa, rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh kỳ cựu bày tỏ bức xúc và ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu thiếu khách quan và minh bạch.

Đầu năm 2016, thành viên Bộ VH-TT&DL tiến hành cổ phần hoá, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và bán đấu giá cổ phần ra công chúng (IPO).

Trước khi được chuyển thành công ty cổ phần, toàn bộ tài sản của VFS được định giá gần 20 tỷ đồng. Điều đáng nói, trong tổng giá trị được định giá ấy, giá trị thương hiệu và hàng nghìn mét vuông "đất vàng" ở vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội và TP HCM mà đơn vị này đang quản lý, đều được định giá bằng 0 đồng. 

Không lâu sau khi cổ phần hoá, nhiều mảng tối tại VFS dần hé lộ. Nhà đầu tư mới là Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) của ông Nguyễn Thuỷ Nguyên bị cán bộ tố là không có định hướng làm phim, chậm lương, trả lương thấp, để cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

Thực trạng tài chính của VFS ở mức xấu, tuy nhiên sự hấp dẫn lại đến từ đất đai, với lô đất "vàng" 5.500 m2 tại số 4 Thuỵ Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), lô đất 1.200 m2 tại số 6 Thái Văn Lung (quận 1, TP.HCM), ngoài ra còn có 905 m2 đất trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) được dùng làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội)

Theo tìm hiểu được biết phía sau Vivaso lại là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông là Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường, đơn vị sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso. Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường là người nắm giữ tới 98,87% vốn điều lệ tại đây, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của Vivaso.

Cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát việc cổ phần hoá VFS. Ngày 20/9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra VFS, chỉ ra nhiều sai phạm, trong đó có việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Cơ quan thanh tra kiến nghị Bộ VH-TT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến lược xin rút vốn trước thời hạn.

Bỏ ra vài chục tỷ, Văn Phú Invest thâu tóm gần 7000m "đất vàng" Hào Nam

Ngày 23/12/2014, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hoá Công ty TNHH MTV In và Văn hoá phẩm. Theo đó, vốn điều lệ sau cổ phần hoá là 72 tỷ đồng, nhà nước thoái hết vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược 46,77%, IPO 46,77% và bán cho người lao động 6,6% còn lại. 

Công ty In và Văn hoá phẩm là đơn vị có thương hiệu trong lĩnh vực in ấn tại Hà Nội. Tuy tình hình kinh doanh không có gì đặc sắc nhưng doanh nghiệp trực thuộc Bộ VH-TT&DL lại nắm trong tay quỹ đất vàng đáng mơ ước.

Công ty In và Văn hoá phẩm được mua lại với giá "bèo" nhưng chủ đầu tư lại xây dựng rồi bán shophouse 50 tỷ. 

Với vài chục tỷ đồng, Văn Phú Invest dễ dàng "bỏ túi" gần 6.700 m2 đất vàng Hào Nam cùng dự án 750 tỷ đồng

Cụ thể, lô đất 83 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội có diện tích 6.690,6 m2, là đất thuê 30 năm (1996-2026); lô đất 768 m2 tại Giáp Nhất, Thanh Xuân, Hà Nội là đất thuê 20 năm (1996 - 2016); lô đất 9.555 m2 tại An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội là đất thuê 30 năm (2003-2033).

Cả 3 lô đất trên là đất thuê trả tiền hàng năm và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đều không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hoá.

Ngày 8/1/2015, Bộ VH-TT&DL có quyết định chấp thuận bán 46,77% vốn cho nhà đầu tư chiến lược là CTCP Thương mại Miền Bắc với giá 10.025 đồng/CP, tức là chỉ cao hơn 25 đồng so với mệnh giá.

CTCP Thương mại Miền Bắc là pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Đầu tư Văn Phú Invest - một doanh nghiệp bất động sản và không liên quan nhiều đến hoạt động in ấn.

Không lâu sau đó, Văn Phú Invest đã giới thiệu và tiến hành xây dựng tổ hợp chung cư, nhà phố cao cấp tại 83 Hào Nam với tên gọi thương mại The Terra Hào Nam, có mức giá shophouse lên tới xấp xỉ 50 tỷ đồng.

Linh Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến