Dòng sự kiện:
Bê bối Panama Paper nhìn từ Thụy Sĩ
11/04/2016 14:31:10
ANTT.VN – Bê bối Panama Paper đang làm rúng động thế giới thời gian qua. Người ta hi vọng hệ thống tài chính toàn cầu sẽ được cải cách qua vụ việc này, tuy nhiên tuy nhiên sẽ rất khó để đặt dấu chấm hết đối với những “thiên đường thuế”, bởi có thể không nhiều người biết, Hồ sơ Panama chẳng phải là vụ bê bối trốn thuế đầu tiên của giới tài phiệt cũng như quan chức trong suốt gần 1 thế kỉ qua.

Tin liên quan

Panama Paper không phải là bê bối trốn thuế đầu trong lịch sử tài chính thế giới, và có lẽ cũng không phải là cuối cùng.

Thụy Sĩ trong 100 năm qua đã trở thành một trong những nơi cất giấu tiền lý tưởng nhất trên thế giới. Quốc gia này cần nguồn vốn từ bên ngoài, đổi lại, họ đảm bảo số tiền trên là bất khả xâm phạm đối với bất cứ thế lực chính trị nào.

Mọi chuyện bắt đầu trước thời điểm Chiến tranh Thế giới I nổ ra. Zug - một bang của Thụy Sĩ đã ban hành đạo luật nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty cũng như quỹ đầu tư một cách dễ dàng hơn. Giới chức ngân hàng và tư pháp vào thời điểm đó ở các trung tâm tài chính Zurich và Basel cũng hưởng ứng đạo luật trên, hỗ trợ quản lý hàng chục nghìn công ty được lập ra bởi giới triệu phú ngoại quốc.

Tới những năm 1920, Thụy Sĩ trở thành 1 địa điểm lý tưởng cho giới nhà giàu châu Âu vốn đang tìm cách trốn tránh khỏi sự theo dõi của chính quyền sở tại. Bởi lẽ hệ thống ngân hàng của nước này luôn từ chối quyết liệt mọi lời đề nghị hợp tác của các chính phủ thời đó.

Chính phủ Thụy Sĩ đương nhiên được cho là đứng sau những động thái cứng rắn trên. Năm 1924 quốc gia này tuyên bố: “Từ chối bất cứ sự đề nghị truy cập vào chi tiết hệ thống khách hàng của các ngân hàng Thụy Sĩ”.

Mặc dù vậy, phải 10 năm sau, tức tới năm 1934, thì chính phủ Thụy Sĩ mới chính thức luật hóa quan điểm trên. Trong nhiều tài liệu được lưu giữ ngày nay, một số học giả nhận định rằng đây là một quyết định mang tính nhân đạo của những người đứng đầu Thụy Sĩ đối với cộng đồng người Do Thái, sau khi Hitler cùng Đảng Quốc xã của ông ta lên nắm quyền tại Đức năm 1933.

Tuy nhiên, sự thật có thể không được ‘hoa mỹ’ như vậy. Theo nhà sử học Sesbastien Guex, chính sách bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng của người Thụy Sĩ đã được ra đời từ một vụ bê bối tương tự như Hồ sơ Panama vừa qua, mặc dù ở một mức độ thấp hơn.

Năm 1932, khi mà chính phủ Pháp đang vật lộn với cán cân ngân sách trong vũng lầy Đại Suy thoái, một liên minh cánh tả đã nhận thức được thực trạng giới nhà giàu Pháp đã và đang tránh nộp thuế bằng cách chuyển tiền cũng như tài sản sang Thụy Sĩ. Họ quyết định thực hiện một cuộc điều tra quyết liệt.

Ngày 26/10/1932, chức trách địa phương tiến hành vây ráp trụ sở Ngân hàng thương mại Basel (CBB) ở Paris, thu giữ sổ sách và giấy tờ liên quan tới hơn 2.000 nghìn triệu phú Pháp, trong đó có những cái tên nổi tiếng như anh em nhà Peugeot cùng nhiều chính trị gia đình đám lúc bấy giờ. Vụ bê bối trên nhanh chóng vỡ lở, và giới nhà giàu Pháp, những người vẫn chưa bị định danh trên mặt báo, nhanh chóng rút hết tiền về từ các ngân hàng Thụy Sĩ.

Chính phủ Pháp ước tính tổn thất từ thuế trong vụ việc trên có thể lên tới 2 tỷ Franc. Paris sau đó gia tăng căng thẳng với Thụy Sĩ bằng cách bắt giữ một loạt quan chức cấp cao, ép buộc quốc gia này cung cấp nhiều thông tin hơn về các tài khoản mang quốc tịch Pháp.

Người Thụy Sĩ lập tức phản pháo, tuyên bố “Thụy Sĩ không có bất cứ trách nhiệm nào để bắt buộc phải hợp tác với giới chức Pháp. Vụ việc trên sẽ chỉ khiến dòng vốn từ nước ngoài rời bỏ đất nước, đi ngược lại với lợi ích của Thụy Sĩ”.

Vụ bê bối cùng dòng tiền chảy ngược ra khỏi các nhà băng khiến tình hình tài chính của Thụy Sĩ trở nên tồi tệ, bên cạnh tác động tiêu cực từ Đại Suy thoái, khiến chính phủ Thụy Sĩ can thiệp sâu hơn vào hệ thống ngân hàng nước này.

Điều này dấy lên những nghi ngại rằng sự ‘nhúng tay’ ngày càng sâu rộng có nghĩa rằng chính quyền có thể truy cập vào thông tin của người gửi tiền, khiến những khách hàng tiềm năng – đặc biệt giới giàu có ngoại quốc trở nên ngần ngại hơn đối với các ngân hàng Thụy Sĩ.

Không lâu sau đó, cả 2 bên Pháp – Thụy Sĩ đã đạt được một thỏa thuận chung, thể hiện qua luật Ngân hàng 1934 của Thụy Sĩ. Tuy nhiên Điều 47 luật này lại nêu rõ “Việc tiết lộ danh tính khách hàng ngoại quốc của hệ thống ngân hàng, tùy mức độ, có thể sẽ bị phạt nặng hoặc thậm chí phạt tù”, đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối của hệ thống ngân hàng nước này.

Điều này đã ngay lập tức phát huy tác dụng, dòng tiền quốc tế sau đó đã chảy trở lại vào hệ thống ngân hàng của nước này. Sự kiên định của Thụy Sĩ đã tạo ra một kiểu mẫu cho các quốc gia muốn thu hút vốn từ bên ngoài, đồng nghĩa với việc nó cũng tạo ra những ‘thiên đường thuế trên thế giới’, từ Beirut, Bahamas, Uruguay, Lichtenstein, và giờ là Panama.

Minh Trang

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến