Dòng sự kiện:
Bến Tre đạt điểm cao nhất về 'quyết tâm chống tham nhũng'
03/04/2019 14:36:32
Kết quả khảo sát hành chính công cấp tỉnh cho thấy Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh đạt điểm cao về "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công".

Ngày 2/4, chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và các đối tác đã công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018.

So với năm trước, chỉ số PAPI năm nay đo lường thêm nội dung mới là "quản trị môi trường" và "quản trị điện tử" và cho kết quả không khả quan. Trong đó, "quản trị môi trường" của cả nước ở dưới mức trung bình vì điểm số của 63 tỉnh, thành dao động từ 3,54 đến 6,74 (thang điểm 10).

Người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc có xu hướng đánh giá chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước tốt hơn, đồng thời cho rằng chính quyền địa phương nghiêm túc trong việc yêu cầu doanh nghiệp tại địa bàn tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường hơn so với người dân ở các vùng khác.

Người dân làm thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền. Ảnh: PV

Ba thành phố trực thuộc trung ương gồm Hải Phòng, TP HCM và Hà Nội và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả ba nội dung (nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước sinh hoạt).

Nội dung "quản trị điện tử" của cả nước cũng có điểm ở mức rất thấp khi các tỉnh được đánh giá dao động trong khoảng từ 1,93 đến 4,24 điểm. Khoảng cách điểm của các tỉnh, thành cũng rất nhỏ, xu hướng tập trung theo vùng khá rõ nét. Theo đó, các địa phương đạt điểm cao hơn có xu hướng hội tụ ở phía Bắc, đặc biệt là ở nội dung thành phần "sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương".

Trong số các thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng và TP HCM là hai địa phương trong nhóm dẫn đầu điểm số quản trị điện tử. Đà Nẵng đạt điểm cao nhất ở cả hai nội dung thành phần, với số điểm 0,77 ở nội dung "sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương", và 3,47 ở nội dung "tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương".

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy nội dung "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" năm 2018 của cả nước đạt trên mức trung bình, với mức điểm cấp tỉnh dao động từ 5,52 đến 7,61.

"Khoảng cách giữa tỉnh có điểm thấp nhất và cao nhất ở nội dung này khá lớn. Điều này cho thấy các địa phương trên cả nước có mức độ hiệu quả khác nhau trong kiểm soát tham nhũng khu vực công", ông Đặng Hoàng Giang - Giám đốc Trung tâm phát triển và hỗ trợ cộng đồng (đối tác chính của nghiên cứu PAPI) nói và cho biết đặc điểm vùng, miền ở nội dung này rất ổn định qua nhiều năm.

Theo đó, các tỉnh, thành phía Nam có xu hướng đạt điểm cao hơn phía Bắc. Cụ thể, 10 trong số 16 địa phương phía Nam thuộc nhóm đạt điểm cao nhất; ba tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh lần lượt đạt điểm cao nhất ở cả bốn nội dung thành phần, gồm: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng; quyết tâm chống tham nhũng.

Bến Tre là tỉnh đạt điểm cao nhất ở hai nội dung kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công và quyết tâm chống tham nhũng. Đắk Lắk thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả bốn nội dung nêu trên. Hải Phòng, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Kon Tum thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở ba nội dung.

Ông Đặng Hoàng Giang nói, tuy điểm bốn nội dung thành phần của "kiểm soát tham nhũng khu vực công" cả nước tăng lên so với hai năm trước nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng "vị thân", "lót tay" để được vào làm công chức, viên chức từ cấp cơ sở. Nhiều người dân cũng phải đưa ‘bồi dưỡng’ hoặc ‘chung chi’ khi sử dụng dịch vụ y tế tuyến huyện, quận và khi sử dụng dịch vụ giáo dục tiểu học...

Nguồn: PAPI 2018

Kết quả PAPI 2018 cũng cho thấy các cấp chính quyền đã có một số cải thiện trong quản trị và hành chính công sáu chỉ số nội dung PAPI đo lường, mặc dù ở các mức độ khác nhau.

Việc bắt buộc người dân tham gia các dự án xây mới, tu sửa công trình công cộng giảm đi; công khai, minh bạch trong lập danh sách hộ nghèo đã cải thiện; công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế; tương tác giữa người dân và cán bộ, công chức chính quyền cấp cơ sở gia tăng.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (viết tắt theo tiếng Anh là PAPI) được khởi xướng năm 2009. Đây là công cụ đo lường định lượng thường niên nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật của bộ máy chính quyền các cấp trong nhiều lĩnh vực.

PAPI 2018 khảo sát ngẫu nhiên 14.300 người dân, đánh giá 63 tỉnh, thành dựa trên 8 lĩnh vực: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến