Dòng sự kiện:
Beton 6 của ông Trịnh Thanh Huy đột ngột sa sút với khoản lỗ vài trăm tỷ
12/12/2018 05:26:20
Cả 2 thương hiệu lâu năm trong ngành xây dựng đều đang có kết cục khá bết bát sau khi được nhóm cổ đông liên quan ông Trịnh Thanh Huy mua lại cách đây 8-9 năm.


Doanh nhân Trịnh Thanh Huy được biết đến là người đã cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh gây dựng tập đoàn Masan tại Nga cũng như khi trở về Việt Nam.

Sau khi về nước, ông Huy đã tham gia thâu tóm một số công ty trên sàn như Bê tông 620 Châu Thới (BT6), Xây dựng Công nghiệp Descon (DCC) hay công ty logistics Vinafco (VFC)... Ngoài ra, ông Huy cùng với nhóm Kusto đã tham gia thành lập công ty Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau một thời gian dài im ắng kể từ sau khi xuất hiện với vai trò là chủ tịch của HB Group với dự án tỷ đô New Hội An City, ông Huy bất ngờ lại được nhắc đến nhiều trước việc Tòa án nhân dân Tp.HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Công Nghiệp (Descon) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.

Giống như Descon, một công ty khác được ông Trịnh Thanh Huy và bên liên quan mua lại cũng đang ở trong tình cảnh rất bết bát là là Beton 6, trước đây là CTCP Bê tông 620 Châu Thới.

Được thành lập từ năm 1958, Beton 6 từng có một thời gian dài là được biết là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường.

Beton 6 cũng là một trong những doanh nghiệp lên sàn từ rất sớm, vào đầu năm 2002. BT6 cũng từng được nhiều nhà đầu tư lớn cũng như nhà đầu tư nước ngoài ưa thích.

Ông Trịnh Thanh Huy tham gia bắt đầu tham gia vào Hội đồng quản trị của Beton 6 từ năm 2009 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay. Giai đoạn 2009-2010 cũng là thời kỳ rực rỡ nhất của Beton 6 với lợi nhuận đạt trên 100 tỷ đồng và sau đó bắt đầu giảm mạnh.

Năm 2015, Beton 6 hủy niêm yết trên HoSE với lý do tập trung vào việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp.

Ngay sau khi hủy niêm yết, bước ngoặt đã đến với Beton 6 nhưng không phải theo chiều hướng tích cực mà ngược lại.

Trong suốt một thời gian dù doanh thu có tăng giảm nhưng lãi gộp của Beton 6 vẫn luôn duy trì trong khoảng 100-200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên trong năm 2016, với 955 tỷ đồng doanh thu, lãi gộp của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 4,3 tỷ đồng; trong khi năm trước đó đạt 145 tỷ đồng.

Trừ đi chi phí tài chính, bán hàng và quản lý, Beton 6 lỗ 221 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Nhờ có 226 tỷ thu nhập khác từ đánh giá lại tài sản và thanh lý tài sản cố định mà năm 2016 công ty vẫn có lợi nhuận dương.

Sang năm 2017, doanh thu tiếp tục sụt gần 1/2 xuống 520 tỷ đồng và lỗ trước thuế 139 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, công ty đạt 58 tỷ đồng doanh thu và lỗ tiếp 43 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2018 khá khiêm tốn với doanh thu chỉ 157 tỷ đồng và kế hoạch đặt ra cho 3 năm 2018-2020 đạt tổng doanh thu chỉ 807 tỷ đồng. Dừng tất cả các hoạt động kinh doanh không sinh lãi.

Báo cáo thường niên năm 2017 của Beton 6 nhận định công ty đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiếu hụt vốn, nguồn nhân lực không ổn định, các đối thủ trong ngành ngày càng mạnh, đặc biệt là đối thủ nước ngoài.

Trong khi tình hình kinh doanh rất ảm đạm thì từ cuối năm 2017 đến nay, Beton 6 đã có 3 lần thay đổi vị trí Tổng giám đốc. Ông Trịnh Thanh Huy cũng bán ra cổ phiếu, giảm mạnh tỷ lệ sở hữu từ mức xấp xỉ 14% xuống còn 1%.

Cổ phiếu BT6 trở lại sàn Upcom từ ngày 6/3/2017 nhưng thanh khoản rất thấp, thường chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên hoặc không có giao dịch. Hiện thị giá BT6 đạt 2.300 đồng.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến