Dòng sự kiện:
Bí thư TP HCM: 'Vụ cô giáo không nói là sự thiếu dân chủ trong trường học'
17/04/2018 22:14:02
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trường THPT Long Thới đã chậm chạp trong việc xử lý vụ cô giáo không nói khi lên lớp suốt 3 tháng.

Chỉ đạo tổng kết Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 16 chiều 17/4, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý đến sự việc cô giáo không nói khi lên lớp, chỉ ghi bài giảng lên bảng ở trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè). Ông nhấn mạnh vai trò quản lý của ban giám hiệu trường học với cách ứng xử của giáo viên.

Theo ông, HĐND TP báo cáo sự việc trên đã được phụ huynh phản ánh song nhà trường không biết để xử lý. "Cách quản lý như vậy là quá chậm, không đạt yêu cầu. Nó còn thể hiện sự thiếu dân chủ trong nhà trường, học sinh, phụ huynh đã phản ánh mà trường không sửa", ông nhận định.

Theo ông Nhân, 10 năm trước ngành giáo dục đã yêu cầu thầy cô giáo chủ động hành động, mỗi người phải là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. "Đạo đức là yêu cầu bắt buộc với công việc dạy dỗ học sinh làm người, tự học để không ngừng phát triển", Bí thư TP HCM chia sẻ.

Ông Nhân yêu cầu ngay trong hè này, ngành giáo dục thiết kế một đợt sinh hoạt cho giáo viên để nâng cao vị thế nghề nghiệp trong xã hội, nói không với vi phạm đạo đức nghề giáo.

Trường THPT Long Thới, nơi xảy ra vụ việc cô giáo không nói suốt ba tháng đứng lớp. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo UBND TP HCM cho biết chất lượng giáo dục của thành phố từ đầu năm đến nay được nâng dần nhưng vẫn xảy ra tình trạng ban giám hiệu, giáo viên đứng lớp thiếu trách nhiệm. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu quả học tập của học sinh và niềm tin của gia đình vào nhà trường.

Lĩnh vực giáo dục còn tồn tại việc xử lý thiếu nghiêm minh, không đủ sức răn đe để ngăn chặn hành vi tái phạm. Ngành này được yêu cầu chấn chỉnh nghiêm túc, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương dạy và học.

Hồi đầu năm, tại buổi gặp gỡ thiếu nhi đầu xuân Mậu Tuất, Bí thư TP HCM từng yêu cầu ngành giáo dục lắng nghe nhiều hơn ý kiến của học sinh. Ông gợi ý, các trường có thể đặt cây mai để học sinh gửi gắm các lá thư là nguyện vọng, quan điểm của mình đến thầy cô và ban giám hiệu. Việc nào nhà trường, cấp quận huyện chưa giải quyết được sẽ trao đổi với thành phố.

Cuối tháng 3, tại diễn đàn ngành giáo dục TP HCM, nữ sinh lớp 11 trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè) đã bật khóc kể về cô Trần Thị Minh Châu khi lên lớp không nói gì, chỉ ghi bài giảng lên bảng.

Tường trình với hiệu trưởng, cô Châu cho rằng, trong lớp 11A1 "có một học sinh nói bạn bè ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra đánh cô giáo". Nhà trường sau đó tổ chức cho lớp 11A1 và cô Châu nói chuyện hòa giải.

Hội đồng kỷ luật THPT Long Thới đã thống nhất kỷ luật cảnh cáo cô Châu, đình chỉ công tác dạy học của nữ giáo viên để sắp xếp công việc khác. Tuần này, trách nhiệm và hình thức kỷ luật hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm sẽ được xem xét.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến