Dòng sự kiện:
BIDV: LNTT 6 tháng bằng 40% kế hoạch năm, nợ xấu tăng mạnh
04/08/2016 19:18:52
ANTT.VN – BIDV có nửa đầu năm kinh doanh không như ý khi LNTT chỉ tăng nhẹ, đạt 40% kế hoạch cả năm, tỉ lệ nợ xấu tăng cao và đe dọa vượt mục tiêu đề ra.

Tin liên quan

Theo BCTC riêng bán niên vừa được BIDV công bố, tín dụng tính tới thời điểm 30/6/2016 ở mức 646.072 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm. Tổng tài sản tăng 9,4% lên 926.888 tỷ đồng, vượt xa 2 ‘đối thủ’ Vietinbank (847 nghìn tỷ đồng), và Vietcombank (677 nghìn tỷ đồng); hứa hẹn sẽ là ngân hàng TMCP đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỉ đồng tài sản trong thời gian ngắn sắp tới.

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng mạnh tới 22,8% lên 695.112 tỷ đồng. Vốn điều lệ ổn định ở mức 34.187 tỷ đồng.

Lĩnh vực kinh doanh truyền thống hưởng chênh lệch lãi vay – tiền gửi tăng trưởng mạnh tiếp tục là lực đẩy lớn nhất kéo cả con tàu BIDV tiến lên trong 6 tháng đầu năm. Thu nhập lãi thuần tăng 26,7% lên 10.227 tỷ đồng, góp phần quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế 2 quý đầu năm đạt 3.254 tỷ đồng, cao hơn 8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên kết quả trên chưa cao như kỳ vọng trước đó của những người đứng đầu BIDV. ĐHĐCĐ thường niên 2016 hồi tháng 4 của Ngân hàng đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 ở mức 7.900 tỷ đồng, phấn đấu tỉ lệ nợ xấu dưới 2%. Như vậy, LNTT 6 tháng đầu năm của BIDV chỉ mới đạt 40% kế hoạch năm, đe dọa khả năng hoàn thành mục tiêu của Chủ tịch Trần Bắc Hà cùng các cộng sự.

Về nợ xấu, ‘ngưỡng kĩ thuật’ 2% cũng có nguy cơ bị phá vỡ khi mà tỉ lệ nợ xấu của BIDV thời điểm 30/6/2016 tăng mạnh lên 1,94%, sau khi đạt mức 1,73% hết quý I/2016 và 1,6% năm 2015.

21 nghìn tỷ nợ xấu đi đâu?

Gần 21 nghìn tỷ nợ xấu bán cho VAMC được BIDV tách bạch trong BCTC năm 2015.

BCTC kiểm toán năm 2015 cho thấy tới thời điểm 31/12/2015, BIDV đã bán 20.836 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD – VAMC, tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2014. Khoản nợ xấu trên được BIDV hạch toán tách bạch với danh mục ‘Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn’.

Sau đó số nợ xấu này được gộp vào danh mục 'Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn' trong BCTC quý I, đi kèm với dự phòng cho khoản mục này tăng gấp 25 lần. (ĐV: Triệu VNĐ)

Tuy nhiên tới BCTC quý I/2016, danh mục ‘Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành’ biến mất, thay vào đó, số dư ‘Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn’ tăng đột biến, từ 15.670 tỷ đồng lên 36.608 tỷ đồng, kèm với khoản dự phòng bật mạnh, từ 96 tỷ lên 2.427 tỷ đồng.

Như vậy gần như BIDV đã ‘ẩn’ gần 21 nghìn tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC trong danh mục ‘Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn’. Điều này tiếp tục được thể hiện trong BCTC quý II của Ngân hàng, đi kèm với khoản dự phòng tăng gấp rưỡi, lên 3.477 tỷ đồng, còn cao hơn cả LNTT 2 quý đầu năm của BIDV.

Việc phải trích lập tới 20% giá trị trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành mỗi năm khiến dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn tiếp tục phình to, 'ăn mòn' lợi nhuận của BIDV trong quý II. (ĐV: Triệu VNĐ)

Đây có thể coi là nguyên nhân lớn nhất, khiến mặc dù trên bảng cân đối kế toán, BIDV đổ không ít tiền vào đầu tư chứng khoán, nhưng không hề tương xứng với hiệu quả mang lại, góp phần ‘ăn mòn’ lợi nhuận của BIDV.

Mặc dù 'đổ' rất nhiều tiền vào đầu tư chứng khoán nhưng BIDV phải gánh chịu khoản lỗ tới hơn 79 tỷ trong 2 quý đầu năm.

Tính tới hết quý II/2016, số dư danh mục ‘Chứng khoán đầu tư’ của BIDV ở mức 137.066 tỷ đồng, bằng 15% tổng tài sản và bằng hơn 1/5 so với cho vay khách hàng. Tuy nhiên lĩnh vực này trong 2 quý đầu năm lại gánh chịu khoản lỗ hơn 79 tỷ đồng.

Nghi Điền

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến