Dòng sự kiện:
Huyền thoại Vinaxuki một thời của ông Bùi Ngọc Huyên bị bán đấu giá khoản nợ 1.300 tỷ
21/02/2020 15:19:12
Đây là khoản nợ đã được ngân hàng giải ngân cho Vinaxuki và nhà máy tại Thái Nguyên để vận hành sản xuất ô tô 'made in Vietnam' từ những năm trước đó.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa phát đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ như sau của CTCP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên.

Theo đó, tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty Xuân Kiên Vinaxuki và Vinaxuki Thái Nguyên là 4 tài sản gồm bất động sản, máy móc thiết bị và mỏ quặng.

Cụ thể, tài sản thứ nhất là 138.814,7m2 đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Thứ hai là máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh. Thứ ba là quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại Thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Cuối cùng là tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên tại Khu B-KCN Nam Phổ Yên, Thái Nguyên.

Đây là khoản nợ đã được ngân hàng giải ngân cho Vinaxuki và nhà máy tại Thái Nguyên để vận hành sản xuất ô tô "made in Vietnam" từ những năm trước đó.

Giá khởi điểm của khoản nợ này bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là 1.265 tỷ đồng.

Gần 140 nghìn m2 đất, mỏ quặng, nhà máy Vinaxuki được rao bán hơn 1.200 tỷ

Vinaxuki của đại gia một thời Bùi Ngọc Huyên là doanh nghiệp có trụ sở tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội. Từ một nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng, doanh nghiệp nay sau đó được cấp phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại.

Cùng với Trường Hải, Vinaxuki chính là một trong hai doanh nghiệp ô tô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất các loại ô tô và phụ tùng ô tô. Nhà máy đầu tiên của Vinaxuki được khởi công tại Vĩnh Phúc với công suất 20.000 xe/năm và hoàn thành vào năm 2005. Liên tiếp trong ba năm sau đó, tại nhà máy này đã sản xuất được trên 20 dòng xe tải, 3 dòng xe con với mức lãi tốt, trong đó có năm mức lãi cao nhất lên đến 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2009 là năm cuối cùng doanh nghiệp này có lãi.

Tuy nhiên, câu chuyện về giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki đột ngột dừng lại vào năm 2012 do công ty gặp khó khăn về vốn khi ngân hàng cho rằng chuyển hướng đầu tư vào dòng xe con sẽ mang lại rủi ro và 3 ngân hàng đã dừng cho công ty này vay vốn.

Đến cuối 2012, công ty nợ ngân hàng tổng cộng 1.472 tỷ đồng. Bị dừng vay vốn đột ngột dẫn tới mất thanh khoản, công ty buộc phải dừng sản xuất. Vinaxuki cũng bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán đấu giá.

Khủng hoảng ập đến với Vinaxuki từ năm 2010. Khi đó, Vinaxuki đang tập trung nguồn vốn chủ sở hữu cho đầu tư thì bị ngân hàng cắt vốn lưu động. Thêm nữa, thị trường ô tô giai đoạn này bắt đầu ngừng trệ, cộng thêm lãi suất ngân hàng quá cao đã khiến cho Vinaxuki không thể chống đỡ được. Hệ quả là, năm 2011, ngân hàng yêu cầu Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ và sau đó, ngay cả thời kỳ tiêu thụ xe ô tô phục hồi trở lại vào năm 2012, Vinaxuki cũng đành bất lực nhìn miếng bánh thị trường rơi vào tay các nhà sản xuất, nhập khẩu khác.

Từ năm 2013, các nhà máy của Vinaxuki đều đã đóng cửa ngừng hoạt động, các ngân hàng rao bán nhà máy để siết nợ nhưng cũng khó tìm được người mua. Các dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại của Vinaxuki đã đắp chiếu, hoen gỉ, chỉ được bán với giá... sắt vụn.

Suốt một khoảng thời gian dài, ông Bùi Ngọc Huyên đã nhiều lần gửi đề nghị lên các cấp để mong vay vốn lưu động tiếp tục sản xuất ô tô. Tuy nhiên, các đề nghị của Vinaxuki liên tục bị bác bỏ. Bản thân ông Bùi Ngọc Huyên đã phải bán nhiều tài sản của gia đình, như nhà cửa, đất đai để trả nợ nhưng chừng đó là không đủ để cứu vãn tình hình.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến