Dòng sự kiện:
BIDV thời ông Trần Bắc Hà đã 'bảo kê' cho Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức thế nào?
12/12/2018 12:00:03
Có lẽ khoản nợ khủng của các doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT với BIDV là “nốt trầm” của ông Bắc Hà trong những năm cuối cùng sự nghiệp.

Câu chuyện về những khoản vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) cho CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) vay dưới thời ông Trần Bắc Hà được nhiều nhà đầu tư quan tâm tại thời điểm này.

Giai đoạn 2008 - 2016, nợ vay từ Ngân hàng BIDV của HAGL liên tục gia tăng. Năm 2008, tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn và dài hạn từ Ngân hàng BIDV của HAGL chỉ đạt tổng cộng 941 tỉ đồng.

Trong giai đoạn ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ tháng 5/2012 đến tháng 8/2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) ngày càng nhiều. Cụ thể, nợ vay tại Ngân hàng BIDV của HAGL liên tục gia tăng từ 3.096 tỉ đồng tại ngày 31/12/2012 lên 10.704 tỉ đồng ngày 30/6/2016, tăng gần 3,5 lần.

Theo báo cáo tài chính gần nhất của HAGL trước ngày ông Hà nghỉ hưu (ngày 1/9/2016), tính đến 30/6/2016, doanh nghiệp này có các khoản nợ vay tại Ngân hàng BIDV gồm nợ vay ngắn hạn (1.917 tỉ đồng), vay dài hạn (2.837 tỉ đồng) trái phiếu phát hành (5.900 tỉ đồng). Thời điểm này ghi nhận Ngân hàng BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL.

Sau khi HAGL phát hành thành công 950 tỉ đồng trái phiếu cho Ngân hàng BIDV vào tháng 9/2013, doanh nghiệp của bầu Đức đã liên tục phát hành trái phiếu cho nhà băng này trong những năm tiếp theo, khi ông Hà vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Sự gia tăng dư nợ vay của HAGL tại Ngân hàng BIDV được đóng góp bởi các khoản phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Tài sản thế chấp của những đợt phát hành trái phiếu của HAGL chủ yếu là quyền thuê đất và tài sản gắn liền trên đất của những công ty con của HAGL tại Lào và Campuchia như Công ty TNHH Công nghiệp - Nông nghiệp cao su Hoàng Anh - Quang Minh (HAQM), Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu, Công ty TNHH MTV Hoàng Anh Andong Meas, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu (HAA).

Tháng 5/2017, CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (Mã: SBT) chi ra 1.330,1 tỷ đồng để mua lại 815 tỷ vốn góp – tức 100% vốn điều lệ của Cty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar). Được biết, HAGL Sugar là pháp nhân được thành lập tại Việt Nam để đầu tư vào Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu – đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía của Tập đoàn HAGL tại tỉnh Attapeu, Lào.

Bên cạnh quyền thuê đất và tài sản gắn liền, tài sản thế chấp của đợt phát hành trái phiếu 2.150 tỉ đồng vào tháng 7/2015 còn là 45 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAGL. Từ tháng 7/2015 đến nay, giá cổ phiếu HAG mất hơn 73% giá trị khi giảm từ 19.200 đồng/cp về còn 5.150 đồng/cp ngày 30/11.

Tính đến 30/9, tổng vay nợ của HAGL từ Ngân hàng BIDV là 8.862 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 54 tỉ đồng, nợ vay dài hạn là 2.932 tỉ đồng và trái phiếu phát hành cho BIDV là 5.876 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của HAGL cũng không mấy sáng sủa. 1.503 tỷ đồng là con số lỗ hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2016. Tổng nợ phải trả ở mức 36.113,7 tỷ đồng, một con số khổng lồ! Trong khi tài sản ngắn hạn cuối năm 2016 là 9.394 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn lên tới 12.726 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HAG lao dốc thảm hại, một thời gian dài quanh quẩn ở mốc 5.000 đồng khiến bầu Đức từ vị trí người giàu thứ 2 thị trường chứng khoán đến “mất hút” trên bảng xếp hạng.

Tính tới ngày 30/6/2018, BIDV vẫn là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này.

Cụ thể, HAGL nợ BIDV và công ty có liên quan tổng cộng hơn 9.223 tỷ đồng, bao gồm 376,3 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.971 tỷ đồng vay dài hạn và 5.876 tỷ đồng vay trái phiếu do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành. Như vậy, chỉ riêng khoản tín dụng BIDV cho HAGL vay đã chiếm khoảng 40% tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, HAGL lúc này vẫn là “con nợ” của Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) với số tiền nợ 374,644 tỷ đồng và Ngân hàng Đầu tư phát triển Campuchia (BIDC) với số tiền 35 tỷ đồng, đây đều là hai công ty con của BIDV. Theo lý giải của HAGL, đây đều là khoản vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn của tập đoàn, chịu lãi suất thả nổi, được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, nhà xưởng, văn phòng, máy móc thiết bị, vườn cây cao su, cọ dầu và đàn bò của tập đoàn.

Thêm vào đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) cũng cho HAGL vay dài hạn 19,3 tỷ đồng, còn Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) cho vay dài hạn 1.397 tỷ đồng gồm 3 khoản vay với mức lãi suất từ 8,75% tới 11%/năm.

Hào phóng cho vay hàng chục nghìn tỷ, để rồi con nợ HAGL mất khả năng cân đối tài chính trả nợ, buộc ngân hàng phải “cơ cấu nợ” trước nguy cơ đổ vỡ nợ xấu ở hàng chục ngân hàng khác, liệu rằng HĐQT và Hội đồng tín dụng của BIDV đã đánh giá, thẩm định và phê duyệt cho vay đúng quy định pháp luật hay không? Khi xảy ra nợ xấu, gây mất vốn Nhà nước tại BIDV thì trách nhiệm sẽ thuộc về những ai?

Với kết quả kinh doanh không mấy khả thi trong những năm gần đây, để tái cơ cấu các khoản nợ vay, HAGL và CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) đã ký kết hợp tác chiến lược . Tính tới ngày 30/9/2018, HAGL có 21.059 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, khoản vay ngắn hạn với BIDC đã không còn, trong khi khoản vay ngắn hạn với LVB là 274,8 tỷ đồng. Còn khoản vay dài hạn với hai ngân hàng là công ty con của BIDV cũng không xuất hiện trong BCTC quý III/2018 của HAGL. Tuy nhiên, về tổng quan, BIDV vẫn là chủ nợ lớn nhất của HAGL.

Về phía BIDV, sau quý III/2018, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng BIDV chỉ còn chiếm hơn 4.339 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước và sau thuế của BIDV tăng trưởng lần lượt 23% và 16%, tương ứng lợi nhuận trước thuế gần 2.284 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.753 tỷ đồng.

Song nợ xấu của BIDV 9 tháng đầu năm 2018 lại tăng 21%.Trong đó, nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn tăng 22% lên mức 3.605 tỉ đồng tăng gần 1.000 tỷ đồng, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng 47% lên 7.214 tỉ đồng, tăng gần 3.000 tỉ đồng so với quý III.2017. Trong khi đó, nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm nhẹ 7%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng nhích lên mức 1,76% so với 1,62% hồi đầu năm.

Ông Trần Bắc Hà đã giúp BIDV gặt hái không ít thành công trong suốt 35 năm làm việc trên nhiều cương vị khác nhau. Song có lẽ khoản nợ khủng của các doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT với BIDV là “nốt trầm” của ông Bắc Hà trong những năm cuối cùng sự nghiệp.

Mai An

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến