Dòng sự kiện:
BIDV: Túi nợ nhóm 5 phình to, hút thêm 4.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu
14/11/2018 23:46:12
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từng ngày.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng năm 2018. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 – 9/2018, lợi nhuận sau thuế ngân hàng này đạt 1.753 tỷ đồng, tăng 16%.

Cộng dồn 9 tháng, lợi nhuận sau thuế BIDV đạt hơn 5.643 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần của BIDV trong 9 tháng đạt hơn 25.615 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của BIDV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng cũng tăng 11% và 12% so với đầu năm, đạt lần lượt 953.513 tỷ đồng và 968.752 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của BIDV đạt hơn 7,254 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 78% kế hoạch.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 21% so với cùng kỳ, chiếm hơn 14.365 tỷ đồng đã "bào mòn" 66% lợi nhuận Ngân hàng, do đó lợi nhuận sau thuế của BIDV còn gần 5.644 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.

Tính riêng trong quý 3, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng BIDV đã giảm 22% chỉ còn chiếm hơn 4.339 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận trước và sau thuế của BIDV tăng 23% và 16%, đạt lần lượt gần 2.284 tỷ đồng và 1.753 tỷ đồng.

Vẫn theo báo cáo, nợ xấu của BIDV 9 tháng tăng 21% so với hồi đầu năm.Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 22% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 47%, còn nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm nhẹ 7%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng nhích lên mức 1,76% so với 1,62% hồi đầu năm.

Trong một diễn biến liên quan, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng vừa có thông báo về phát hành trái phiếu ra công chúng.

Theo đó, ngân hàng phát hành tổng cộng 400.000 trái phiếu với hai loại kỳ hạn là 7 năm và 10 năm. Tổng khối lượng vốn cần huy động qua trái phiếu này là 4.000 tỷ đồng.

Trái phiếu phát hành năm 2018 và đáo hạn năm 2028, gọi tắt là trái phiếu 2028. Loại trái phiếu này có kỳ hạn 10  năm và khối lượng chào bán là 100.000 trái phiếu, tương đương 4.000 tỷ. Lãi trái phiếu được ngân hàng thanh toán sau, định kỳ vào ngày tròn năm so với ngày phát hành trái phiếu. 

BIDV cho biết, mục đích của việc phát hành trái phiếu huy động vốn lần này là nhằm tăng quy mô vốn cho ngân hàng. Giá bán trái phiếu ra công chúng ở mức 10 triệu đồng/trái phiếu.

Trước đây, trong kịch bản “tối thiểu nhất”, cả 3 "đại gia" ngân hàng, trong đó có BIDV chỉ tăng vốn vừa đủ để tuân thủ mức tối thiểu khi áp dụng Basel II (8%) thì tổng số vốn của 3 ngân hàng này cần huy động là 25.393 tỷ. Rõ ràng, áp lực tăng vốn là rất lớn.

Câu chuyện tăng vốn không chỉ của riêng BIDV mà của tất cả các ngân hàng, nhưng đặc biệt quan trọng với các ngân hàng có vốn Nhà nước do phải đáp ứng theo chuẩn Basel II theo quy định và tăng năng lực tài chính để cạnh tranh trên thị trường. Ngoài việc phải tăng vốn điều lệ thì các ngân hàng cũng đang nỗ lực tăng thêm nguồn vốn cấp II thông qua phát hành trái phiếu ra thị trường. BIDV trong năm nay cũng đã có 4 lần phát hành trái phiếu và thu về tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng. Đợt phát hành cuối năm với dự kiến 4.000 tỷ thu về là quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở nhà băng này.

Được biết, vốn điều lệ của BIDV hiện ở mức hơn 34.187 tỷ đồng và lần tăng gần nhất là năm 2015. Ngân hàng đã nhiều lần tính bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng mãi đến gần đây mới có thông tin chính thức về việc bán 15% vốn sau phát hành cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Dự kiến sau thương vụ với KEB Hana, BIDV sẽ nâng được mức vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến