Dòng sự kiện:
Hướng dòng vốn vào tín dụng xanh
12/11/2018 21:39:36
Để tạo điều kiện cho các TCTD tham gia cấp tín dụng xanh, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tới đây, NHNN xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD.

Tín dụng xanh đã lan tỏa

TS. Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho biết, Việt Nam là một trong những nước đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường nhất là chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường. Đứng trước thách thức đó, Việt Nam xác định mục tiêu tăng trưởng trong vòng hai thập kỷ tới không chỉ là tăng trưởng nhanh như các giai đoạn trước đây mà phải là tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh. Nhiều văn bản, chính sách nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững đã được ban hành như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050…

Tuy nhiên, để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững, theo các diễn giả tại hội thảo “Định hướng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”, thì cần huy động nguồn lực của toàn xã hội trong đó nguồn lực vốn ngân hàng có vai trò quan trọng.

Vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng xanh

Theo tính toán của Viện Chiến lược ngân hàng và Trung tâm nghiên cứu BIDV, tổng tài sản tài chính của hệ thống ngân hàng chiếm tới trên 70% còn lại chưa đầy 30% khu vực chứng khoán, bảo hiểm cho thấy vai trò sứ mệnh hệ thống ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định cung ứng vốn để hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.

Ngoài lý do trên, theo bà Lê Phương Lan – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, có hai khía cạnh cơ bản nữa gắn với trách nhiệm của ngành Ngân hàng trong quá trình này, đó là ngân hàng tham gia vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư, trong đó gồm cả những rủi ro môi trường. Bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng tác động trực tiếp tới môi trường, thông qua việc ứng dụng công nghệ để phi chứng từ hóa các phương tiện thanh toán, áp dụng ngân hàng điện tử trực tuyến...

Để hoàn thành vai trò và sứ mệnh kênh tín dụng chủ lực trong phát triển kinh tế xanh, thời gian qua, NHNN đã ban hành rất nhiều chính sách hướng đến phát triển xanh bền vững: Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Hay như Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020…

Với sự triển khai quyết liệt của cơ quan quản lý, các TCTD cũng đã tích cực cho vay đối với các dự án xanh sạch. Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, có 17 TCTD đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ. Một số TCTD đã lồng ghép hoạt động về tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình. Ngoài ra, một số NHTM cũng chủ động tham gia các dự án có vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh. Nhờ sự tham gia tích cực đó, đến hết quý III/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đạt 219.219 tỷ đồng.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Xác định ngành Ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đầu tư vào lĩnh vực xanh của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Kiên Nghị - Phó trưởng phòng khách hàng DN lớn của BIDV - một trong những ngân hàng đang tham gia tích cực cho vay các dự án xanh sạch - chia sẻ, BIDV đã, đang tập trung cho vay các dự án sạch như về dự án điện, xử lý rác thải môi trường… Trong quá trình cấp tín dụng cho các dự án trên, BIDV đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí bảo vệ môi trường, đánh giá tác động của dự án môi trường xã hội. Đây là yêu cầu bắt buộc trong quá trình thẩm định các dự án liên quan đến lĩnh vực xanh. Đến thời điểm này, BIDV đã cho vay 9 dự án điện gió, năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, theo ông Nghị, việc tài trợ cho vay của ngân hàng còn nhiều vướng mắc như cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài nên các ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn. Vì cũng như những NHTM khác nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn, trung hạn mà đầu tư cho dự án xanh lại đòi hỏi dài hạn.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm, hệ thống ngân hàng đang gặp phải khó khăn khi triển khai tín dụng xanh như hướng dẫn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh vẫn còn chung chung, chưa có các tiêu chí cụ thể để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Nhận thức và năng lực của các TCTD trong phát triển sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế.

Thời gian tới, để khuyến khích các ngân hàng, cũng như các chủ đầu tư tích cực tham gia các dự án xanh, ông Nghị kiến nghị Chính phủ có quỹ hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình xây dựng dự án như giải phóng mặt bằng cũng như các cơ sở hạ tàng đến chân công trình dự án; ưu đãi khác biệt hơn như dự án điện giảm chi phí mua điện với giá hợp lý… Về phía NHNN, đại diện BIDV đề xuất, không tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Ngoài ra NHNN xem xét có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh. 

Theo TS. Hòe, để phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch và chiến lược phát triển từng ngành, lĩnh vực mới khuyến khích cả DN và ngân hàng tích cực tham gia. Trong bối cảnh nguồn vốn ưu đãi ngày càng hạn chế, ông Nguyễn Thanh Hải – đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) gợi ý, các ngân hàng nên chủ động tiếp cận các quỹ tài chính chuyên đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện tại các quỹ đầu tư tài chính quốc tế cũng đang quan tâm đến Việt Nam, vì vậy các ngân hàng có thể chủ động tiếp cận để tìm kiếm nguồn vốn dài hạn với lãi suất tương đối hợp lý từ kênh này. 

Về phía cơ quan quản lý, để tạo điều kiện cho các TCTD tham gia cấp tín dụng xanh, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tới đây, NHNN xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 11 ngành kinh tế, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường. Nhất là tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến