BIDV vào Myanmar: Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp đầu tư
07/03/2016 11:26:50
ANTT.VN - Trước đây, việc chưa có ngân hàng của Việt Nam tại Myanmar là trở ngại lớn cho các DN Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Myanmar. Do vậy, việc BIDV thành lập chi nhánh tại Myanmar sẽ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch của Việt Nam sang Myanmar.

Tin liên quan

Đó là ý kiến đánh giá của ông Phạm Thanh Dũng, Đại sứ Việt nam tại Myanmar về việc ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức được lựa chọn là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được cấp giấy phép thành lập tại Myanmar.

Ngày 4/3/2016, Hội đồng cấp phép thành lập chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã chính thức thông báo cấp phép cho 4 Ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động tại Myanmar bao gồm: BIDV (Việt Nam), E.SUN Commercial Bank (Đài Loan), Shinhan Bank (Hàn Quốc) và State Bank of India (Ấn Độ).

Đây là đợt cấp phép lần thứ 2 cho các ngân hàng nước ngoài của Chính phủ Myanmar. Trước đó, tháng 10/2014, Chính phủ Myanmar đã cấp phép đợt 1 cho 9 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông báo cấp phép cho 4 Ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động tại Myanmar ngày 4/3/2016

Được biết, từ tháng 4/2010, BIDV đã chính thức thành lập Văn phòng đại diện (VPĐD) tại Myanmar và đầu mối thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội.

Qua gần 6 năm hoạt động, VPĐD BIDV tại Myanmar và AVIM  đã có những đóng góp tích cực, quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước. Đồng thời đã tư vấn, chia xẻ với Chính phủ Myanmar các kinh nghiệm trong cải cách, mở cửa kinh tế.

Đến nay, BIDV là ngân hàng quan hệ với hầu hết các doanh nghiệp Việt nam đang đầu tư hoặc có quan tâm tới thị trường Myanmar. BIDV cũng đã chủ động thiết lập các kênh trao đổi thông tin thường xuyên với Chính phủ, các Bộ, Ngành và các Định chế Tài chính tại Myanmar (như MFTB, MICB thuộc khối NHTM Nhà nước; SMIDB, KBZ  thuộc khối NHTM tư nhân...).

Giai đoạn 2010-2015, tổng giá trị đầu tư của Việt Nam vào Myanmar tăng 28 lần từ chỉ có 2 dự án với tổng vốn đăng ký 23,649 triệu USD năm 2010 đã tăng lên 08 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 691,572 triệu USD. Theo đó, Việt Năm vươn lên vị trí thứ 10 trong danh sách các nước đầu tư vào Myanmar.

Tuy nhiên trong hai năm trở lại đây, hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước đang có dấu hiệu chững lại chủ yếu gặp khó khăn do chưa có hoạt động ngân hàng thương mại của Việt Nam tại Myanmar hỗ trợ. Năm 2014, Việt Nam không có dự án nào được cấp phép tại Myanmar, giá trị thương mại năm 2015 chỉ đạt 434,7 triệu USD giảm so với năm 2014 là 480,6 triệu USD.

Việc lựa chọn Ngân hàng nước ngoài được phép mở chi nhánh tại Myanmar được Chính phủ Myanmar thực hiện thông qua 01 đơn vị tư vấn quốc tế, được tiến hành khách quan, công khai minh bạch, dựa trên các tiêu chí rất cụ thể về qui mô hoạt động, năng lực tài chính, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, năng lực kinh nghiệm, hoạt động và quản lý các ngân hàng, công ty con ở nước ngoài, kinh nghiệm và các hoạt động đã có tại Myanmar, khả năng đóng góp cho nền kinh tế Myanmar hiện tại và trong tương lai....

Sự kiện ngân hàng BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được lựa chọn cấp phép sơ bộ thành lập Chi nhánh tại Myanmar đã đền đáp xứng đáng những nỗ lực của BIDV thời gian qua.

BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động tại Myanmar

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết: “Phát huy kinh nghiệm triển khai thành công tại thị trường Lào và Campuchia trong nhiều năm qua, chắc chắn Chi nhánh BIDV tại Myanmar sẽ sớm đi vào hoạt động hiệu quả, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, khẳng  rõ vai trò đầu tàu, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại thị trường Myanmar, góp phần hoàn thành sớm mục tiêu Thoả thuận hợp tác kinh tế đã được Chính phủ hai nước thống nhất”.

Theo kế hoạch, chi nhánh BIDV tại Myanmar sẽ chính thức khai trương đi vào hoạt động trong năm 2016. Trụ sở chi nhánh đặt tại Trung tâm thương mại hàng đầu Myanmar hiện nay- Trung tâm phức hợp HAGL-Yangon.

Ngài Phạm Thanh Dũng, Đại sứ Việt nam tại Myanmar nhận xét: “Trước đây, việc chưa có ngân hàng của Việt Nam tại Myanmar là trở ngại lớn cho các DN Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Myanmar. Do vậy, việc BIDV thành lập chi nhánh tại Myanmar sẽ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch của Việt Nam sang Myanmar”.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đánh giá cao sự kiện thành lập ngân hàng của Việt Nam tại Myanmar sẽ góp phần dẫn dắt, thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh doanh, đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế, nhất là 12 lĩnh vực đã được Chính phủ 2 nước khuyến khích phát triển”          

Hiểu Minh

 
 

  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến