Biển báo cấm phương tiện rẽ phải từ đường Trần Hữu Dực sang đường Lê Đức Thọ, Hà Nội bị che khuất bởi cành cây và một biển báo khác. Ảnh: FB Minh Chu
Đầu tháng 10/2020, bức ảnh về tấm biển báo cấm rẽ phải từ đường Trần Hữu Dực sang đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) gây xôn xao trên nhiều diễn đàn lớn về ô tô. Nhiều cư dân mạng vô cùng bức xúc khi tấm biển báo “Cấm tất cả các phương tiện rẽ phải” bị cành cây um tùm và biển báo cấm phương tiện dừng, đỗ cắm phía trước che khuất, gây cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Một số người gay gắt bình luận: “Đến chịu kiểu treo biển trên cành cây”, “Đây phải gọi là “bẫy” giao thông chứ không phải biển báo cho phương tiện biết”. Một số cư dân mạng khác thì đặt dấu hỏi: “Biết bao nhiêu trường hợp tương tự xảy ra mà chả lẽ cơ quan chức năng không đặt ra quy định cụ thể khi cắm biển báo gần nhau?”.
Những người thường xuyên di chuyển trên tuyến đường Nguyễn Hữu Dực cho biết, biển báo cấm phương tiện rẽ phải này được cắm phục vụ lúc Hà Nội làm đường đua F1. Hiện tại, biển báo đã làm xong, lệnh cấm không được áp dụng nữa.
Phản hồi lại ý kiến trên, đa số thành viên trên các diễn đàn đều cho rằng, trường hợp biển báo hết hiệu lực, cơ quan chức năng cần tháo dỡ ngay, tránh trường hợp người điều khiển phương tiện đi đường lạ loay hoay không biết đi hướng nào cho phải.
Trường hợp biển báo còn hiệu lực thì không gian xung quanh phải được thoáng đãng, dễ nhìn, không thể để lái xe bị CSGT gọi vào kiểm tra nhưng không hiểu mắc lỗi gì.
Hiện tại, di chuyển trên một số tuyến đường Hà Nội, PV Báo Giao thông cũng dễ dàng ghi nhận không ít biển báo bị che khuất tầm nhìn, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Điển hình là biển báo “Xe khách trên 16 chỗ chỉ được đi thẳng. Xe buýt được phép hoạt động” trên đường Khâm Thiên (trước khu vực trụ sở Công an quận Đống Đa) vừa bị che chắn bởi cành cây, vừa bị khuất tầm nhìn bởi cột điện phía trước.
Biển báo cấm taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo khung giờ bị cành cây che khuất trên phố Láng Hạ, Hà Nội.
Tại đường Láng Hạ, hai biển báo cấm taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo khung giờ đầu ngõ 12 cũng bị che khuất gần như hoàn toàn bởi tán cây trên vỉa hè. Trong khi đó, biển báo cấm đỗ xe tại số 2H Láng Hạ (gần nút giao Láng Hạ - La Thành) lại “ở ẩn” do hộ kinh doanh hoa quả thường xuyên căng ô che kích cỡ lớn.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, việc biển báo bị che khuất, hạn chế tầm nhìn thể hiện sự tắc trách từ đơn vị liên quan trong việc theo dõi tổ chức giao thông.
“Thời gian tới, đơn vị cắt tỉa cây xanh và Ban Duy tu, Ban Kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội cần tăng cường phối hợp, rà soát lại tất cả các khu vực biển báo trên địa bàn thành phố. Biển báo nào bị che chắn bởi các biển báo khác hoặc cây cối thì phải thông báo cho đơn vị phụ trách xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông; Đồng thời, để biển báo giao thông không bị gọi là “bẫy”, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan chức năng và lực lượng thực thi công vụ”, ông Thạch nói.
Tác giả: Nam Khánh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy