Dòng sự kiện:
Biến 'cửa tử' thành 'cửa sinh', ngư dân cảm kích Bộ trưởng Thăng
07/03/2016 17:11:50
Những ngày đầu xuân 2016, có mặt ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, chúng tôi thực sự ấn tượng trước niềm phấn khởi của ngư dân bởi Cụm công trình Luồng qua cửa Lạch Giang được Đảng và Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải, đầu tư đã giúp bà con yên tâm bám biển.

Tin liên quan

Bộ trưởng Đinh La Thăng trong một lần thị sát công trình

Khởi sắc nơi chân sóng

Bên cảng cá Ninh Cơ, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Nam Định Nguyễn Văn Mười cho biết, trước đây cửa sông này vốn rất phức tạp, phù sa thường xuyên bồi đắp và biến đổi khó lường nên tàu thuyền của ngư dân rất khó khăn mỗi khi ra vào cảng, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ. Để vào được cảng, các tàu phải đi vào ban ngày và phải bắt thủy triều, chọn thời điểm nước cao mới có thể vào được an toàn.

“Kể từ giữa năm 2015, sau khi luồng tàu được khơi thông, các tàu có thể ra vào cảng bất kỳ ngày nào, không phụ thuộc vào con nước, có thể ra vào cả ngày lẫn đêm, do đó các tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh lân cận cũng cập cảng cá Nam Định ngày càng nhiều. Lượng tàu ra vào cảng chúng tôi đã tăng lên gần gấp đôi so với trước. Công trình có ý nghĩa rất lớn, góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế biển”, ông Mười hồ hởi.

“Lão ngư” Nguyễn Văn Chiến - chủ của hơn 30 tàu lớn chuyên đánh bắt xa bờ thực chứng lời của Giám đốc cảng cá. Có hàng chục năm trong nghề đi biển, ông Chiến chia sẻ niềm vui khi Nhà nước đầu tư cải tạo cửa sông Ninh Cơ đã giúp ông trút được nỗi lo đắm tàu tại cửa sông này.

“Cửa Lạch Giang từ trước đến nay vẫn được gọi là “cửa tử”, nhưng công trình này có thể nói đã chấm dứt tình trạng nguy hiểm cho các tàu đánh bắt cá của ngư dân chúng tôi. Công việc làm ăn nhờ đó cũng thuận lợi hơn nhiều, không còn phải chờ con nước có khi đến 5-6 tiếng đồng hồ mới vào được cảng như trước. Chúng tôi rất cảm kích Bộ trưởng Thăng”.

Cách cảng cá không xa, bãi biển Thịnh Long cũng “thay da đổi thịt”, bãi cát trải dài hàng cây số, nước biển trong và sạch sẽ. Chị Hồng, chủ quán cơm Phú Hồng cho biết, chị làm du lịch đã 10 năm nhưng năm 2015 là năm khách du lịch đông nhất.

Theo chị Hồng, do nằm ở cửa sông nên bãi tắm Thịnh Long trước đây hứng rất nhiều bùn rác từ sông Ninh Cơ đổ ra nên rất ít người đến tắm. “Nhưng mùa hè năm 2015, sau khi tuyến đê chắn sóng thuộc dự án WB6 được hình thành thì toàn bộ rác và phù sa bị đẩy ra xa và cát được bồi vào nên biển Thịnh Long trở nên sạch đẹp, từ đó khách du lịch các nơi đổ về Thịnh Long ngày càng nhiều”, chị Hồng phấn khởi.

Dự án đầu tiên về đường thuỷ nội địa ở Đồng bằng Bắc bộ

Để tìm hiểu thêm về cải tạo cửa Lạch Giang, chúng tôi trở về Hà Nội và làm việc với Ban Quản lý các dự án Đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Tiếp chúng tôi là ông Lê Huy Thăng, Tổng Giám đốc cho biết, Cụm công trình Luồng qua cửa Lạch Giang thuộc dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, gồm 8 gói thầu xây lắp với tổng giá trị 1.600 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 01/2014, tiến độ hoàn thành theo Hợp đồng vào 31/12/2015.

Đây là cụm công trình lớn đầu tiên về đường thủy nội địa được đầu tư xây dựng trên khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Dự án nhằm mở ra cửa ngõ kết nối vận tải thủy khu vực với các vùng miền trong cả nước thông qua vận tải ven biển, giúp các tàu pha sông biển trọng tải 1.000 tấn có thể lên đến Hà Nội, tàu 2.000 - 3.000 tấn có thể hoạt động trên sông Ninh Cơ và vào cảng Ninh Phúc (sau khi kênh nối Đáy - Ninh Cơ được đầu tư), từ đó giảm chi phí vận tải, giảm gánh nặng cho đường bộ đang bị quá tải, nhiều tai nạn và ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực Đồng bằng Bắc bộ.

Với ý nghĩa quan trọng đó, cụm công trình này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo ngành GTVT. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) là người phát lệnh động thổ cụm công trình.

Trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (nay là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) và các Thứ trưởng đã thường xuyên theo dõi, tổ chức các cuộc họp giao ban và kiểm tra hiện trường. Từ khi động thổ đến khi khánh thành, cụm công trình đã nhận được 12 lần kiểm tra và chỉ đạo tại hiện trường của Bộ trưởng Thăng và các Thứ trưởng Bộ GTVT, 4 lần kiểm tra của Đoàn giám sát Ngân hàng Thế giới.

Được nhân dân kỳ vọng, lãnh đạo quan tâm, vì vậy Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã luôn phối hợp chặt chẽ, nỗ lực hết mình đưa công trình về đích trước tiến độ đề ra với chất lượng tốt, không tăng kinh phí dù phải vượt qua không ít khó khăn, trở ngại do đây là khu vực thi công thuộc vùng cửa sông ven biển, nằm trong vùng nước cạn chịu tác động của sóng cồn, sóng vỡ, chịu ảnh hưởng rất lớn của sóng gió, dòng chảy và thủy triều, đặc biệt là gió mùa Đông Bắc và phù sa bồi lắng...

Với điều kiện khu vực thi công như vậy, nếu sử dụng sà lan lớn chịu được sóng thì sẽ mắc cạn, sử dụng sà lan nhỏ sẽ không chịu được sóng... Do đó, trong thời gian đầu các gói thầu có sự chậm trễ về tiến độ, các nhà thầu phải tìm tòi, thử nghiệm và đưa ra các giải pháp thi công phù hợp.

Với quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ với chất lượng cao, các nhà thầu thi công, Ban Quản lý các dự án và tư vấn giám sát đã đưa ra nhiều giải pháp thi công phù hợp, điển hình như việc thay thế các bao tải cát nhỏ tại khu đổ đất phía Nam và khu đổ đất phía Bắc bằng các ống Geotube có kích thước lớn. Các ống Geotube dài 50m, thể tích khoảng 400m3 có thể ổn định trong điều kiện sóng lớn. Việc thay thế này đã đẩy được tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình mà không làm tăng chi phí.

Thời gian thi công cũng được tận dụng tối đa. Để tận dụng con nước thấp, toàn bộ công trường đã phải tổ chức thi công không kể ngày đêm. Thời gian thi công có thể bắt đầu vào bất kỳ giờ nào (9h, 10h đêm - 1h, 2h sáng) và cho đến khi thủy triều dâng cao không thể thi công được nữa mới nghỉ.

Mặc đù điều kiện thực hiện gặp rất nhiều khó khăn nhưng chất lượng công trình luôn được quản lý chặt chẽ, ông Thăng quả quyết. Cụm công trình này được thiết kế và giám sát thi công bởi Tư vấn Quốc tế liên danh giữa Compagnie Nationale du Rhone (CNR) của Cộng hòa Pháp và Tractebel Engineering của Bỉ, thiết kế kỹ thuật được thẩm định bởi các chuyên gia độc lập do Ngân hàng Thế giới chỉ định (chuyên gia Mỹ).

Về phía quản lý nhà nước, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã thanh tra công tác đảm bảo chất lượng công trình đối với dự án WB6, trong đó có cụm Lạch Giang. Kết luận thanh tra số 10805/KL-BGTVT ngày 17/8/2015 cho thấy quá trình thực hiện dự án tuân thủ các quy định, từ công tác tuyển chọn nhà thầu, thi công đến nghiệm thu, thanh toán.

Niềm vui chưa trọn

Tuy nhiên, trả lời phóng viên, Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường thủy cũng bày tỏ tiếc nuối khi công trình đã khánh thành 3 tháng mà vẫn chưa được đón các tàu lớn vào cửa sông. Lý do là vì theo quy định, trước khi bàn giao đưa vào sử dụng thì công trình cần được hoàn công và Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ kiểm tra hiện trường, hồ sơ, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ngoài ra, gói thầu cung cấp và lắp đặt phao tiêu báo hiệu mới ký hợp đồng cuối tháng 2/2016, vì vậy cụm công trình này vẫn chưa được lắp đặt hệ thống phao tiêu báo hiệu và thông báo hàng hải.

Để không chỉ các ngư dân ở cảng cá Ninh Cơ mà cả chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu trong dự án cũng được sớm trọn niềm vui, hy vọng những thủ tục cuối cùng sẽ sớm được hoàn tất để đưa công trình đi vào sử dụng trọn vẹn. Cũng hy vọng ngày càng có nhiều hơn những dự án như thế này, nhằm khơi dậy tiềm năng của giao thông đường thủy vốn nhiều năm liền đã bị lãng quên.

Theo báo Pháp luật Việt Nam

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến