Dòng sự kiện:
Biển Đông có thể xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới vào tuần sau
02/08/2022 12:21:30
Khoảng cuối tuần (6-7/8), trên khu vực giữa Biển Đông có khả năng hình thành một vùng áp thấp, sau đó mạnh lên thành xoáy thuận nhiệt đới (bão/áp thấp nhiệt đới) vào đầu tuần sau.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng 6-7/8, trên khu vực giữa Biển Đông có khả năng hình thành một rãnh áp thấp. Trên rãnh áp thấp này có khả năng xuất hiện một vùng áp thấp, sau đó mạnh lên thành bão/áp thấp nhiệt đới. "Trung tâm đang theo dõi khả năng xuất hiện các nhiễu động có thể hình thành bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 5-7 ngày tới", theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Ông Khiêm cho biết thêm, tháng 8 năm nay, Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Con số này xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Đầu tuần sau, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới. Ảnh minh họa.

Số liệu thống kê từ 20 năm qua (2002-2021) trung bình có 1- 2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trển Biển Đông trong tháng 8, riêng năm 2005 và 2020 có ba cơn, trong khi năm 2011 và 2015 không có cơn nào.

Cũng theo ông Khiêm, trong tháng 8, vùng có tần suất bão/áp thấp nhiệt đới tác động nhiều nhất là Bắc Biển Đông, ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Một số cơn bão trong tháng 8 những năm gần đây như bão số 3 (MINDULLE) tháng 8/2010, đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa-Nghệ An, gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), gió mạnh cấp 10 ở Quỳnh Lưu và Hòn Ngư (Nghệ An), gió giật cấp 12 ở Quỳnh Lưu, cấp 13 ở Hòn Ngư.

Bão số 5 (Kai Tak) tháng 8/2012 với cường độ trên biển Đông mạnh cấp 12, gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở vịnh Bắc Bộ, khu vực ven biển Quảng Ninh gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Mùa bão năm nay được nhận định phức tạp, khó lường do tác động của trạng thái La Nina duy trì đến hết năm 2022. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 1 năm 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng từ 4-6 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Cơ quan khí tượng lưu ý, những năm La Nina tác động, cần đề phòng xảy ra bão dồn dập trong các tháng cuối năm. Ngoài ra, nguy cơ cao xuất hiện các cơn bão mạnh, diễn biến bất thường, trái quy luật.

Cũng do tác động của La Nina, từ tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Kịch bản bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ như năm 2020 có thể tái diễn, kéo theo đó là nguy cơ ngập úng, sạt lở đất.

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến