Dòng sự kiện:
Biến động tỷ giá và lãi suất huy động, lãi suất cho vay khó giảm thêm
02/12/2024 10:07:36
Cùng với áp lực tỷ giá trong mùa cao điểm, chi phí đầu vào của ngân hàng đang tăng theo lãi suất huy động cuối năm khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm.

Áp lực tỷ giá, lãi suất huy động tăng

Thị trường vẫn đang dự báo khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm 0,25% tại cuộc họp tháng 12/2024 cùng mức cắt giảm nhẹ hơn vào năm 2025, do rủi ro lạm phát cao hơn từ các chính sách của ông Donald Trump. Trong khi đó, các quan chức của Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, chỉ ra rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ đang khá thận trọng trong lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành.

Thực tế, giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã tăng trở lại từ đầu tháng 10 và tăng 4,3% kể từ đầu năm. Bên cạnh sức ép từ thị trường quốc tế, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tỷ giá VND/USD cũng chịu sức ép về nhu cầu ngoại tệ có xu hướng gia tăng do các yếu tố mùa vụ cuối năm.

Áp lực tỷ giá ảnh hưởng lớn đến khả năng giảm lãi suất. Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất, có thể gây biến động tỷ giá mạnh hơn và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, trong bối cảnh lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư được các nhà băng tăng nhẹ kể từ đầu tháng 11/2024, lên trên 7%/năm kỳ hạn dài, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để có thể hạ lãi suất cho vay.

NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 10/2024, số dư tiền gửi tiết kiệm dân cư tại các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 36,8-38% tổng tiền gửi. Tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân tại TP.HCM cũng tăng 8,3% so với cuối năm 2023. Tổng huy động tiền gửi trên 3,8 triệu tỷ đồng…, cho thấy các ngân hàng đang chạy đua huy động để đáp ứng cầu vốn cuối năm.

NHNN cho biết, tính đến ngày 31/10, tín dụng nền kinh tế tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,4%). Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 15% ngành đưa ra năm nay, các ngân hàng còn nhiều dư địa cấp vốn trong 2 tháng cuối năm. Các ngân hàng đang nỗ lực để kích cầu tăng trưởng tín dụng, song lãi suất cho vay cả với doanh nghiệp, cá nhân khó giảm sâu hơn.

Lãi suất cho vay khó giảm

Dù mặt bằng lãi suất cho vay được đánh giá đang ở mức phù hợp, nhưng thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Theo các chuyên gia, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng, tình hình nợ xấu, tỷ giá thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi vay. Lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào chi phí hoạt động của ngân hàng, mà còn phản ánh khả năng xảy ra trong tương lai và đặt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng.

Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 9/2024 đạt mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, nhưng tăng gấp đôi so với năm 2022. Theo đó, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.

Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), chính sách lãi suất thấp hiện tại là lợi thế lớn cho Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều biến động quốc tế, Việt Nam cần điều hành linh hoạt và thận trọng. Các giải pháp hỗ trợ khác như cải cách thủ tục vay vốn, tăng cường đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu sẽ là những yếu tố quan trọng duy trì đà tăng trưởng ổn định thời gian tới.

Việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay là điều rất khó khăn đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng đã đưa ra các gói vay ưu đãi, được thiết kế phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, việc điều hành lãi suất cho vay hiện gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của USD thời gian qua, cùng với những căng thẳng về cung, cầu ngoại tệ đã khiến NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu gia tăng cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Để bảo đảm hoạt động, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận và hạn chế khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản, đạt mức 5,2-5,5% vào cuối năm, tạo sức ép không nhỏ lên lãi suất cho vay.

Tuy vậy, NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Thực tế, lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Thanh khoản toàn hệ thống vẫn ổn định và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến