Dòng sự kiện:
Kết quả bầu cử tại Mỹ tác động thế nào đến lãi suất VND và tỷ giá?
06/11/2024 09:03:11
Các chuyên gia cho rằng từ nay đến cuối năm, thị trường ngoại tệ sẽ có biến động, nhất là trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có kết quả và tùy theo chính quyền nào thắng cử.

Giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã liên tục tăng suốt 2 tuần qua và đã tăng 4,3% kể từ đầu năm. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản

Trong những ngày đầu tiên của tháng 11/2024, thị trường ghi nhận mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng tăng so với mức giao dịch bình quân khá thấp trong tháng Mười, đồng thời tỷ giá USD/VND trong vài tuần vừa qua cũng tăng trở lại gần đạt mức cao nhất vào thời điểm giữa năm 2024.

Ngày 5/11, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định: “Trước hết, chúng tôi cho rằng các diễn biến này khá tương đồng với các biến động dữ dội gần đây trên thị trường ngoại hối và tiền tệ toàn cầu từ những sự kiện lớn như xung đột tại Ukraina và Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo kết quả bầu cử tại thị trường lớn nhất thế giới chưa có kết quả rõ ràng, chênh lệnh tốc độ phát triển kinh tế giữa các nền kinh tế lớn…dẫn đến nhiều xu hướng dịch chuyển và phân tán rủi ro tài sản và đầu tư.”

Ở góc độ toàn cầu, ông Quang nhận định dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ đáng ngạc nhiên so với các nền kinh tế lớn khác mặc dù lãi suất USD vẫn đang neo ở mức cao trong suốt hai năm qua. USD đã giảm giá trị trong tháng Chín sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất với mức cao là 50 điểm nhưng ngay trong tháng Mười, đồng bạc xanh đã gần như lấy lại toàn bộ giá trị mất đi sau các dữ liệu kinh tế vững chắc được công bố (kinh tế phát triển, việc làm mới vững chắc và lạm phát giảm). 

Cũng theo ông Quang, tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có các động thái can thiệp nhằm ổn định các thị trường. Khi tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh, cơ quan quản lý đã phát hành tín phiếu hút bớt lượng thanh khoản dư thừa ra khỏi thị trường nhằm giảm áp lực tỷ giá. Số liệu giao dịch ngoại hối trong vài tháng qua cho thấy phát sinh nhu cầu mua ngoại tệ tương đối lớn từ Kho bạc Nhà nước đi cùng việc kho bạc giảm bớt lượng tiền gửi VND tại hệ thống các Ngân hàng thương mại. Và khi thị trường cần thêm thanh khoản VND, cơ quan quản lý đã bơm hỗ trợ thông qua kênh thị trường mở.

Theo số liệu tham khảo đến cuối ngày 4/11, số dư phát hành tín phiếu khoảng 80.000 tỷ đồng (kênh hút) trong khi số dư bơm thanh khoản qua thị trường mở là 50.000 tỷ đồng (kênh bơm). Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã và đang sử dụng hài hòa các công cụ ổn định thị trường và cho thấy chưa có tình trạng thiếu hụt thanh khoản trên thị trường. Các mức lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư và doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại được giữ ở mức ổn định trong tháng Mười và đầu tháng 11 cũng khẳng định thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản.

Những kịch bản trái chiều

Về công tác dự báo diễn biến tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới, chuyên gia của UOB tiếp tục đưa ra các mức dự báo trên các yếu tố nền tảng và tiềm năng tốt cho kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và 2025.

“Về lãi suất, chúng tôi dự báo cơ quan quản lý sẽ chưa điều chỉnh các mức lãi suất chính sách và sẽ tiếp tục sử dụng kích hoạt các mức lãi suất can thiệp thương mại để giữ mặt bằng huy động ngắn hạn 3 tháng quanh mức 3%-4% và dài hạn 12 tháng ở mức 5%-6%,” ông Quang nhận định.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng kết quả bầu cử tại Mỹ sẽ ít có tác động trực tiếp đến lãi suất VND và tỷ giá USD/VND do đồng tiền nội địa đã và đang được quản lý chặt chẽ. (Ảnh: Vietnam+) 

Về tỷ giá, ông Quang cũng cho rằng trên cơ sở Việt Nam tiếp tục đảm bảo các cân đối lớn, thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối và du lịch tăng trưởng sẽ hỗ trợ tỷ giá USD/VND biến động quanh mức 3% hàng năm, trong đó quý 4/2024 đạt 25.200 đồng, quý 1/2025 đạt 25.000 đồng, quý 2/2025 đạt 24.800 đồng và quý 3/2025 đạt 24.600 đồng.

“Chúng tôi cũng cho rằng kết quả bầu cử tại Mỹ sẽ ít có tác động trực tiếp đến lãi suất VND và tỷ giá USD/VND do đồng tiền nội địa đã và đang được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ các hoạt động thương mại và đầu tư dài hạn hơn là công cụ đầu tư và đầu cơ ngắn hạn,” ông Đinh Đức Quang nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.700-24.900 đồng/USD trong quý 4, được hỗ trợ bởi những yếu tố như Fed và các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Bên cạnh đó nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam tiếp tục dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và kiều hối đồng thời thâm hụt thương mại dịch vụ ngày càng thu hẹp.

Ngược lại, chuyên gia của Công ty chứng khoán Shinhan (SSV), nếu ông Trump thắng cử, tỷ giá có thể gặp áp lực tăng đến cuối năm do thị trường có xu hướng lựa chọn đầu tư vào tài sản ít rủi ro và chờ đợi tác động từ chính sách của chính quyền mới, thay vì phản ứng tức thời với các đợt cắt giảm lãi suất của Fed.

SSV dự báo USD và trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ là nơi trú ẩn an toàn, đẩy giá trị USD tiếp tục tăng so với các đồng tiền khác cho đến cuối năm. 

Còn ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng từ giờ đến cuối năm, thị trường ngoại tệ sẽ có biến động, nhất là trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có kết quả và tùy theo chính quyền nào thắng cử. Nếu ông Donal Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, thì khả năng chỉ số Dollar Index sẽ tăng tiếp, do Fed sẽ chậm lại lộ trình cắt giảm lãi suất USD. Nếu bà Kamala Harris thắng cử, lộ trình cắt lãi suất của Fed tiếp tục, sức khỏe USD sẽ giảm, tỷ giá tiền đồng cũng có tác động tích cực, giảm nhiệt dần về cuối năm nay, khi nhu cầu thanh toán gia tăng so với nửa đầu năm./.

 Tác giả: Thuý Hà
Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến