Mức độ thiếu vốn ngày càng gia tăng khiến các ngân hàng quốc doanh một lần nữa mong mỏi được giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn.
Vốn điều lệ quá mỏng đang bào mòn sức chống chịu cũng như co hẹp thị phần của khối ngân hàng quốc doanh.
Thị phần gần 50%, nhưng vốn chỉ chiếm 23,6% toàn hệ thống
Sức ép tăng vốn quá lớn khiến từ năm 2016, một số ngân hàng thương mại quốc doanh đã đề nghị không chia cổ tức tiền mặt, thay vào đó là chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, đề xuất của các ngân hàng liên tục bị Bộ Tài chính bác bỏ trong bối cảnh ngân sách eo hẹp.
Cho đến tận tháng 1/2022, cả 3 ngân hàng là BIDV, VietinBank và Vietcombank, bên cạnh chia cổ tức bằng cổ phiếu, vẫn phải chi cổ tức bằng tiền mặt (cổ tức năm 2020) cho cổ đông. Về cổ tức năm 2021, hiện mới có Vietcombank hoàn tất chia cổ tức 8% bằng cổ phiếu, BIDV và VietinBank chưa công bố mức cổ tức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Năm 2022, tài liệu Đại hội đồng cổ đông chưa được công bố, song gần như chắc chắn, các ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn bằng cổ phiếu.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tuần qua, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cho hay, hiện nay, thị phần huy động vốn và tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm gần 50% tổng quy mô của ngành ngân hàng, nhưng tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ còn chiếm 23,6% vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng. Thiếu vốn dẫn tới hệ số CAR của khối ngân hàng quốc doanh hiện nay rất mỏng, thua xa các ngân hàng trong khu vực.
Đầu năm nay, Ngân hàng Agribank và BIDV cũng lần lượt xin tăng vốn, vì câu chuyện mỏng vốn đã trở nên quá cấp bách.
“Việc tăng vốn điều lệ là rất bức thiết với Agribank. Hiện nay, có những ngân hàng thương mại cổ phần có tổng dư nợ chỉ bằng 1/4 của Agribank, nhưng vốn điều lệ lại cao hơn cả Agribank”, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho hay.
Vốn điều lệ quá mỏng đang bào mòn sức chống chịu cũng như co hẹp thị phần của khối ngân hàng quốc doanh. Thị phần của nhóm ngân hàng này đã giảm 4% trong vòng 4 năm qua và có nguy cơ còn giảm nữa. Trong khi đó, dịch bệnh vừa qua cho thấy, các ngân hàng thương mại nhà nước đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong huyết mạch tài chính quốc gia, hỗ trợ nền kinh tế. Việc cơ cấu nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng 2 năm qua chủ yếu nhờ vào các ngân hàng này.
Ngân sách có chịu “nhịn” cổ tức tiền mặt?
Theo kế hoạch mà NHNN vừa công bố, năm nay, NHNN sẽ triển khai kế hoạch tăng vốn cho big 4 ngân hàng. Theo đó, sẽ tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước với Agribank và tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho 3 ngân hàng còn lại.
Ông Phạm Quang Dũng cũng đề nghị, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách khó khăn, Chính phủ nên cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ. Bên cạnh đó, Chủ tịch Vietcombank lại một lần nữa đặt ra vấn đề nới room vốn ngoại lên 35%, thay vì 30% như hiện nay, nhằm hỗ trợ các ngân hàng bán vốn cho nước ngoài để tăng vốn.
Lâu nay, việc chia cổ tức bằng tiền mặt giúp ngân sách mỗi năm có thêm hàng ngàn tỷ đồng để tăng vốn. Tuy nhiên, nếu chấp thuận cho các ngân hàng này chi trả cổ tức hoàn toàn bằng cổ phiếu để tăng vốn, ngân sách sẽ hụt thu một khoản đáng kể. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc chấp nhận hụt thu một số năm để giải quyết tình trạng căng thẳng vốn cho các ngân hàng là rất cần thiết.
Hiện CAR của khối ngân hàng quốc doanh đã tuân thủ Basel II ở Việt Nam, chỉ đạt 9,2%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân 19,4% đối với ngân hàng tại các thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á. Tính chung toàn hệ thống, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch ước tính, ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm vốn bổ sung lên tới 10,7 tỷ USD để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho vay bù đắp thiệt hại có thể xảy ra từ tất cả các khoản vay có vấn đề, đồng thời duy trì hệ số CAR ở mức 10%. Trong đó, số vốn tăng thêm chủ yếu là thuộc khối ngân hàng quốc doanh.
TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, 2 năm qua, các ngân hàng quốc doanh phải gánh nhiều trách nhiệm trong khi rủi ro gia tăng. Vì vậy, áp lực tăng vốn sẽ càng cấp bách trong năm 2022. Nếu không sớm “làm dày” vốn, cải thiện hệ số CAR, các ngân hàng này sẽ khó khăn để tăng trưởng an toàn, bền vững.
Theo tính toán của NHNN, nếu tăng 1 đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì có thể tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế. Đương nhiên, việc cho phép các ngân hàng quốc doanh giữ lại 100% lợi nhuận để tăng vốn sẽ khiến ngân sách khó khăn. Tuy vậy, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, ngay cả khi ngân sách khó khăn vẫn cần phải bố trí tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh, bởi khi đó các ngân hàng này mới đáp ứng tốt nhu cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. |
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy