Bình Dương đang định hướng nghiên cứu tuyến đường sắt từ huyện Bàu Bàng đi tỉnh Tây Ninh, để qua cửa khẩu Mộc Bài.
Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 15225/BGTVT-KHĐT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trả lời kiến nghị về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó thông tin về quy hoạch các nhà ga tại tỉnh Bình Dương và đầu tư tuyến đường sắt Bình Dương kết nối với Tây Ninh.
Chủ động huy động đầu tư đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài
Về bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài, Bộ Giao thông vận tải cho biết mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy hoạch trên cơ sở các hành lang kinh tế lớn, quan trọng của quốc gia, có tính chất liên vùng hoặc kết nối liên vận quốc tế.
Tại khoản 3 mục III của Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: cơ quan chủ trì tổ chức lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh căn cứ quy hoạch mạng lưới đường sắt được duyệt để quy hoạch các tuyến đường sắt kết nối các đầu mối vận tải như: cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, các khu kinh tế, khu du lịch... với đường sắt quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận tải và khả năng huy động nguồn lực đầu tư của các địa phương.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ làm cơ sở quản lý quỹ đất và chủ động huy động nguồn lực đầu tư tuyến đường sắt nêu trên.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối, giao thương, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, kết nối du lịch với Vương quốc Campuchia và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS); đồng thời, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của đất nước.
Do đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có đủ dư địa và điều kiện cần thiết để phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững và trở thành điểm kết nối quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Do đó, nhằm cụ thể các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành trong vùng, Tây Ninh đang từng bước thực hiện chiến lược kết nối và phát triển Bình Dương - Tây Ninh, tuyến đường sắt Bàu Bàng (Bình Dương) - Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài khoảng 57 km được đề xuất đầu tư. Dự án này sau khi được hoàn thành sẽ tạo đột phá để Tây Ninh phát triển bền vững với hành lang kinh tế công nghiệp - đô thị - logistics, lan tỏa phát triển từ Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Kết nối đường sắt tốc độ cao với ga An Bình
Cụ thể, về quy hoạch ga An Bình và điều chỉnh ga Dĩ An vào ga An Bình, Bộ Giao thông vận tải cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 386/TB-VPCP ngày 21/12/2022 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án quy hoạch ga An Bình và điều chỉnh ga Dĩ An theo nội dung kiến nghị của tỉnh Bình Dương. Từ đó, đã cập nhật vào hồ sơ báo cáo giữa kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu đầu mối TP. Hồ Chí Minh.
"Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản lấy ý kiến Sở Giao thông vận tải Bình Dương (đơn vị được UBND tỉnh Bình Dương giao làm đầu mối). Tuy nhiên, đến nay Sở Giao thông vận tải Bình Dương chưa có văn bản tham gia ý kiến về hồ sơ quy hoạch", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Bình Dương có văn bản tham gia ý kiến hồ sơ quy hoạch nêu trên; phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam, tư vấn trong quá trình thỏa thuận kết nối hạ tầng và các nội dung có liên quan tại khu vực quy hoạch 02 ga nêu trên để làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cũng tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cũng phản hồi về việc nghiên cứu bổ sung quy hoạch kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao về ga An Bình.
Bộ Giao thông vận tải nêu rõ theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh được xác định kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Sau đó, hướng tuyến đi dọc theo hành lang của đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc tại ga Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
"Tiếp thu một số ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt tốc độ cao đang nghiên cứu tuyến nhánh kết nối đường sắt tốc độ cao với ga Trảng Bom để kết nối với các tuyến đường sắt khu đầu mối TP. Hồ Chí Minh, trong đó có kết nối với tuyến Trảng Bom - Bình Triệu/Hòa Hưng (ga An Bình nằm trên tuyến đường sắt này)", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Ga An Bình thuộc địa phận thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Theo quy hoạch, đây là ga lập tàu hàng, điều hành cho toàn mạng đường sắt khu đầu mối TP. Hồ Chí Minh đồng thời là ga hàng hóa chính của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, được định hướng là ga kết hợp chức năng liên vận quốc tế.
Tác giả: Anh Tú
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy