Dòng sự kiện:
Bịt lỗ hổng lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp
12/08/2022 16:16:19
Việc lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dưới dạng hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư… vẫn tràn lan trên thị trường. Bộ Tài chính đang tìm cách bịt lỗ hổng này.

Bộ Tài chính đang hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Lách quy định

Bà Nguyễn Thúy Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, mới đây, bà được một nhân viên của tập đoàn S. mời mua TPDN với lãi suất 10,2%/năm. Để lách quy định về điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhân viên này cung cấp cho bà hợp đồng góp vốn đầu tư với công ty tài chính X. là công ty con của tập đoàn S. Theo đó, công ty X. mới là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đứng ra mua TPDN, còn bà Hằng chỉ là bên góp vốn cùng công ty X đầu tư.

Trước đó, như Báo Đầu tư phản ánh, sau sự cố trái phiếu Tân Hoàng Minh, tình trạng lách luật bán chui TPDN vẫn diễn ra tràn lan trên thị trường, thông qua hình thức ủy thác đầu tư, góp vốn đầu tư…

Theo số liệu của Bộ Tài chính, các tổ chức vẫn là đối tượng nắm giữ lớn nhất TPDN, song thực tế, cá nhân mới là đối tượng nắm giữ TPDN nhiều nhất trên thị trường, nếu tính cả các hợp đồng lách luật dạng góp vốn hay ủy thác đầu tư.

Cụ thể, dữ liệu của Bộ Tài chính cho hay, trong quý I/2022, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ mua 9,5% lượng TPDN phát hành, nhưng trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ này cao gấp 3 lần, lượng TPDN riêng lẻ mà cá nhân nắm giữ lên tới 33,82% tổng giá trị TPDN đang lưu ký. Nói cách khác, phần lớn TPDN riêng lẻ được các công ty chứng khoán mua trên sơ cấp và phân phối lại cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức khác.

Nếu như cuối năm 2021, tổng số nhà đầu tư cá nhân nắm giữ TPDN riêng lẻ, theo báo cáo của các tổ chức lưu ký, là gần 289.000 người, thì đến cuối quý I/2022, con số này tăng lên 340.300 người. Nếu tính cả các hợp đồng góp vốn đầu tư, con số này còn cao hơn rất nhiều.

Tình trạng lách luật bán TPDN cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên khiến Bộ Tài chính lo lắng. Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm đầu tư vào TPDN riêng lẻ. Việc này có sự tiếp tay của các tổ chức phân phối trái phiếu, tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại thông qua 2 hình thức.

Một là, sử dụng giấy tờ giả mạo xác nhận nhà đầu tư, sử dụng các hợp đồng mua bán chứng khoản có kỳ hạn hoặc sử dụng tài khoản vay ký quỹ.

Hai là, sử dụng hình thức góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức hoặc cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo luật dân sự như trường hợp Tân Hoàng Minh.

“Các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư để mua TPDN trong trường hợp vụ việc Tân Hoàng Minh cũng đặt ra vấn đề về việc cần quy định cụ thể hình thức hợp đồng dân sự này để có biện pháp quản lý phù hợp với bản chất của hoạt động đầu tư vào những sản phẩm trên thị trường chứng khoán”, Bộ Tài chính khẳng định.

Theo các luật sư, hình thức góp vốn đầu tư, ủy thác đầu tư mua TPDN không vi phạm pháp luật hiện hành, song tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp phát hành không trả được nợ, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ quyền lợi theo pháp luật chứng khoán và Nghị định số 153, vì việc góp vốn, ủy thác đầu tư được điều chỉnh bởi hợp đồng dân sự.

Khuyến khích cá nhân đầu tư qua quỹ

Bộ Tài chính đang hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Một trong những trọng tâm của Nghị định sửa đổi này là hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn, nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

Cụ thể, Nghị định sẽ nâng chuẩn quy định với nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Theo đó, cá nhân đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có mệnh giá trái phiếu lên đến 1 tỷ đồng; giá trị đầu tư chứng khoán 2 tỷ đồng, khi xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là tài sản của chính nhà đầu tư, được duy trì trong tối thiểu 6 tháng; nhà đầu tư có trách nhiệm ký cam kết hiểu rõ về các điều kiện, điều khoản, rủi ro của trái phiếu, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trước khi mua TPDN riêng lẻ.

Bên cạnh đó, để bịt lỗ hổng mua bán TPDN “chui” thông qua hình thức ủy thác đầu tư, góp vốn, Nghị định sửa đổi Nghị định 153 tới đây cũng quy định nhà đầu tư không được phép bán lại trái phiếu đã mua cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức, bao gồm cả hình thức góp vốn đầu tư để tránh trường hợp như Tân Hoàng Minh.

Bên cạnh việc siết lỗ hổng về nhà đầu tư, để phát triển bền vững thị trường TPDN nói riêng, thị trường vốn nói chung, các chuyên gia đề nghị, Bộ Tài chính cần có giải pháp cụ thể để phát triển các định chế tài chính trung gian (doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) nhằm tăng sức cầu cho thị trường, cũng như tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân.

Bộ Tài chính cho biết, sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước rà soát, đánh giá hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư trái phiếu theo hướng thúc đẩy sự tham gia của các quỹ này trên thị trường TPDN và tạo thuận lợi để nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thông qua các quỹ đầu tư, giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng đánh giá rủi ro tài chính.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu bổ sung quy định về việc các quỹ đầu tư chứng khoán đầu tư vào TPDN riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm cao.


Tác giả: Hà Tâm

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến