Dòng sự kiện:
Bitexco thâu tóm Hương Giang ở Huế: Đất ‘vàng’ rơi tay tư nhân với giá bèo
09/04/2019 09:01:45
Liên quan đến thương vụ Bitexco thâu tóm Công ty Du lịch Hương Giang ở Thừa Thiên-Huế, sau hơn nửa năm khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ vụ việc này, nhiều hoài nghi của dư luận vẫn chưa được sáng tỏ.

Tìm hiểu của PV, vào năm 2016, Tập đoàn Bitexco và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký kết chuyển nhượng 12,572 triệu cổ phần, tương đương 62,86% phần vốn nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang. Bitexco qua đó nâng tỉ lệ sở hữu phần vốn tại Công ty Du lịch Hương Giang từ 7,62% lên 70,48%.

Khách sạn Hương Giang- một trong những khách sạn tọa lạc tại vị trí "vàng" ở cố đô Huế. 

Điều đáng chú ý, theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 38 Nghị định 91/2015, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Công ty Du lịch Hương Giang phải thực hiện thông qua đấu giá công khai. Nếu đấu giá công khai không thành công thì tiếp tục đấu giá cổ phần theo lô, cuối cùng mới bán thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi sang tay hơn 60% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế không thực hiện đấu giá theo quy định. Đặc biệt, mức giá của thương vụ được cho là “nhẹ nhàng”, tính theo mệnh giá ước khoảng 126 tỷ đồng. Đổi lại, với tỉ lệ cổ phần chi phối, Bitexco sở hữu luôn một loạt khách sạn lớn, sang trọng, nằm ở những vị trí đắc địa bậc nhất tại Huế như Hương Giang Resort & Spa, Sài Gòn Morin, Laresidence, Citadel cùng nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Thêm điều khiến dư luận ở Huế hoài nghi khác là việc Công ty Du lịch Hương Giang kinh doanh đi xuống đúng vào giai đoạn thoái vốn nhà nước, trong khi doanh nghiệp này sở hữu chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang có vị trí 'vàng' ở vùng đất cố đô. Mặt khác, năm 2017, chỉ sau thời gian ngắn UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thoái vốn, Công ty Du lịch Hương Giang bất ngờ đặt kế hoạch doanh thu gấp hơn 2 lần năm 2016…

Liên quan đến vấn đề này, đại diện của Sở Tài chính Thừa Thiên-Huế thông tin, quy trình thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Du lịch Hương Giang đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có công văn số 4453/UBND-TH ngày 25/8/2015  trình gửi Chính phủ xem xét. Sau đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn số 7722/VPCP-ĐMDN ngày 28/9/2015 phúc đáp. Theo đó, văn phòng Chính phủ có ý kiến, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với định hướng ngành du lịch của tỉnh để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần nhà nước hiện có tại Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Công văn cũng nói rõ, giá bán thực hiện theo quy định hiện hành và đảm bảo hiệu quả tối ưu.

Trước đó, trả lời An ninh Tiền tệ, đại diện Bitexco giải thích, việc mua Hương Giang không qua đấu giá do Bitexco được lựa chọn là Nhà đầu tư chiến lược. UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã trình Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận bằng văn bản cho phép lựa chọn nhà đầu tư bán cổ phần trọn lô do Huế cần một nhà đầu tư chiến lược. Nhiệm vụ nhà đầu tư chiến lược là ngoài việc cam kết đầu tư vào Huế thì nhà đầu tư còn phải hỗ trợ tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư và du lịch.

Về giá mua cổ phần tại thời điểm 2015, đại diện Bitexco cho biết là căn cứ vào quá trình thẩm tra, Hội đồng đã có tham khảo Hợp đồng mua bán cổ phiếu số 022015/VEMM-HDCN ngày 20/8/2015 giữa người mua là Bà Nguyễn Thị Kim Phụng và người bán là Quỹ đầu tư được thành lập tại Cayman Islands thuộc Vương quốc Anh (Vietnam Emerging Market Master Fund Ltd là cổ đông của Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang) với số lượng chuyển nhượng: 300.000 cổ phiếu và giá chuyển nhượng: 5.000 đồng/01 cổ phiếu).

Như vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp là phù hợp với Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính; và việc xác định giá bán 01 cổ phần để thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang là phù hợp tại Khoản 11 Điều 4 của Luật doanh nghiệp 2014: “Giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường cao nhất ngày hôm trước, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua, hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp xác định”.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo thêm vào thời điểm ngày 24/10/2016 (sau khi đã hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang) có Hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán số 4697/FPTS/FCM-HĐCN giữa bên chuyển nhượng là Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư tài chính dầu khí (là cổ đông của Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang) và bên nhận chuyển nhượng với số lượng chuyển nhượng: 700.000 cổ phiếu và giá chuyển nhượng: 8.500 đồng/01 cổ phiếu.  

“Tuy nhiên, cuối cùng Bitexco đã mua với giá 12.600 đồng/ cổ phiếu do Huế đưa ra mức giá sàn để thoả thuận cao hơn mức giá thẩm định”, đại diện Bitexco thông tin.

Ở một diễn biến khác, trả lời báo chí, ông Nguyễn Mậu Chi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bia Huế, nguyên Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiệm kỳ 2012-2017 cho rằng, mục tiêu tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn nhà đầu tư chiến lược để vực dậy ngành du lịch là đúng nhưng cách làm sai.

Theo ông Chi, khi chuyển nhượng hơn 62% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lại không đấu giá theo quy định. Sau đó, Bitexco sở hữu  một loạt khách sạn lớn, sang trọng, nằm ở những vị trí đắc địa tại thành phố Huế.

Theo ông Nguyễn Mậu Chi, tỉnh Thừa Thiên-Huế quá ưu ái cho nhà đầu tư chiến lược dễ dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước: “Lẽ ra phải đấu thầu để chọn công ty nào mua, có thể là Bitexco, có thể là công ty khác nhưng khi đấu thầu thì nên đưa các tiêu chí là doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực du lịch họ được ưu thế hơn, số điểm trong hồ sơ thầu sẽ được cao hơn.  Về giá, giá trị của công ty Du lịch Hương Giang lớn, sở hữu về mặt đất đai, địa thế, thương hiệu lớn, cho nên giá trị (năm 2016) giảm xuống chỉ còn  1/3 so với 9 năm trước là điều không thể chấp nhận. Sự vụ này cho thấy, Nhà nước đang bị thất thoát tài sản khá lớn”.

Luật sư Nguyễn Văn Kỷ, Văn Phòng Công ty luật Kỷ Nguyễn và cộng sự tại thanh phố Huế cho biết, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển nhượng cổ phần không qua đấu giá tạo ra lỗ hổng, dễ gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình chuyển nhượng.

“Căn cứ khoản 4, Điều 38 Nghị định 91 năm 2015 của Chính phủ thì việc thoái vốn Nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang phải thông qua đấu giá công khai. Nếu đấu giá công khai không thành công thì khi đó tiếp tục đấu giá cổ phần theo lô, nếu các bước được thực hiện cùng một lúc thì mới bán thoả thuận trực tiếp làm việc với nhà đầu tư để tìm đối tác tiềm năng nhất. Khi không thẩm định đúng quy trình sẽ tạo ra lỗ hổng, tạo tiền lệ xấu”, luật sư Nguyễn Văn Kỷ dẫn luật và quan điểm.

(Còn nữa)

Kỳ Anh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến