Liên quan đến vấn đề chiết khấu (hoa hồng được doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối dành cho đại lý xăng dầu) và chi phí kinh doanh xăng dầu, ngày 15/9, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Bốn lần đề nghị
Cụ thể, từ tháng 2, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014.
Bên cạnh đó, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường.
Tiếp đó, đến tháng 7, Bộ tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, đánh giá từ báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, báo cáo tổng hợp premium trong nước... để thực hiện điều chỉnh, thông báo một số khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh và quy định hiện hành.
Đến tháng 8, khi thị trường xăng dầu có nhiều biến động, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu.
Chi phí kinh doanh xăng dầu đã áp dụng từ năm 2014 là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn, thị trường xăng dầu xáo trộn. Ảnh: Duy Hiệu.
Cụ thể, Bộ Công Thương nêu rõ báo cáo tổng hợp về premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng qua rà soát của Bộ Tài chính thực tế đã tăng.
Tuy nhiên, Bộ mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.
"Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống bị hạn chế. Nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục", cơ quan quản lý nhìn nhận.
Gần đây nhất, tại cuộc họp ngày 31/8, Tổ điều hành thị trường trong nước đã đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
"Rất mong Bộ Tài chính sẽ xử lý sớm vấn đề này vì nếu giải quyết được sẽ gỡ khó được rất nhiều cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu", ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định trong cuộc họp.
Cách tính đã lỗi thời
Không chỉ cơ quan quản lý mà các doanh nghiệp cũng nhiều lần kiến nghị với Bộ Tài chính về vấn đề điều chỉnh các khoản chi phí trong công thức tính giá cơ sở. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh và phản ánh kịp thời các khoản chi phí tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu phù hợp quy định của Thông tư 104.
Trường hợp định kỳ theo Thông tư 104 các khoản mục chi phí áp dụng tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu vẫn giữ nguyên. Hiệp hội đề nghị Bộ công khai các khoản mục chi phí này để làm căn cứ cho các thương nhân đầu mối thuyết minh với các cơ quan quản lý lý do khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngày 14/9, Petrolimex cũng có công văn cho biết các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như premium, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức... chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay.
Nhiều cửa hàng ngừng bán xăng vì chiết khấu thấp, thua lỗ nặng. Ảnh: Đức Anh.
"Điều này đã tạo ra khó khăn rất lớn đối với các thương nhân đầu mối trong việc chia sẻ chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ, phân phối", doanh nghiệp đầu mối này cho biết.
Petrolimex đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở chưa được phản ánh đủ theo Nghị định 95 tại chu kỳ điều hành giá sớm nhất.
Theo Nghị định 95 sửa đổi, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Các chi phí này đã được áp dụng từ năm 2014 nên các doanh nghiệp đánh giá đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Những yếu tố cấu thành giá xăng trong nước bao gồm: Giá xăng dầu thế giới, chi phí đưa về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, thuế phí, mức trích lập quỹ bình ổn giá.
Hiện, chi phí kinh doanh định mức đối với các mặt hàng xăng RON 95, E5 RON 92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít; đối với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy