Dòng sự kiện:
Bộ Công Thương nhắc nhở việc xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế vào EU
14/04/2020 12:40:17
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) thuộc Bộ Công Thương vừa đưa ra một số lưu ý về việc xuất khẩu trang sang các thị trường này.

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong mùa dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ tìm các đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU và nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này.

Ví dụ, dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia (theo địa chỉ liên kết website: https://standards.cen.eu/dyn/www/f?p=CENWEB:5:::NO:::).

Do vậy, việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.

Doanh nghiệp có thể tham khảo tiêu chuẩn về khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế tại đây.

Tổ chức chứng nhận CE tại các nước thành viên, trong đó tại Bỉ có thể tham khảo tại đây.

Bộ Công Thương đưa ra một số lưu ý về việc xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế vào EU (Ảnh: Ng.Hoàng)

Trước đó, ngày 12/4, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài, cơ quan này lưu ý một số yếu tố.

Thứ nhất là thị trường. Trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phổ biến. Thế nên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.

Thứ hai, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.

Thứ ba, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. "Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao", Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, Cục Xuất nhập khẩu khuyên các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường vì nhu cầu  lớn ở các thị trường trên thế giới. Hiện đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít so với thị trường xuất khẩu hàng dệt may Việt có kim ngạch 39 tỷ USD.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến