Dòng sự kiện:
Bộ GD&ĐT kiến nghị định giá sách giáo khoa
27/05/2022 07:29:23
Việc để giá sách giáo khoa do doanh nghiệp quyết định theo giá thị trường gây áp lực lên vai người dân trong bối cảnh giá cả leo thang.

Trước thực trạng sách giáo khoa Chương trình mới “đội giá” gây áp lực chi phí lên xã hội, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được ban hành nhằm mục tiêu "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK); có một số SGK cho mỗi môn học"; "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”.

Mặc dù việc xã hội hóa trong biên soạn SGK tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các bộ sách, giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho các trường; Tránh tình trạng độc quyền, bó hẹp nội dung của sách. Tuy nhiên việc các doanh nghiệp khác nhau được tham gia in ấn, phát hành…(Theo điều 5, Luật Xuất Bản, có 7 Nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản SGK); tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK.

Từ đó dẫn đến câu chuyện cơ chế tài chính của bộ sách mới và bộ sách hiện hành khác nhau, các NXB tự bỏ tiền chi cho khâu biên soạn sách nên giá sách chịu các yếu tố tác động của thị trường, giống các sản phẩm khác của thị trường. Khiến cho giá SGK Chương trình mới cao ít nhất gấp đôi giá sách hiện hành.

Để đảm bảo, hằng năm theo quy định của Luật Giá, các nhà xuất bản trên phải thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.

Về phía Bộ GD&ĐT cũng ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK. Trong đó đã quy định cấu trúc và nội dung SGK phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm (khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, quy định về kênh hình trong các trang SGK).

Trước bảng giá của mỗi nhà xuất bản đưa ra, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Nhà xuất bản rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách SGK; phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cung cấp SGK cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học để có đủ SGK.

Giá sách tăng gây ảnh hưởng đến phụ huynh và học sinh

Phải có cơ chế đặc thù

Mặc dù có sự tham gia của Bộ Tài chính trong việc kê khai giá, và đề nghị rà soát lại các quy trình xuất bản SGK như trên. Tuy nhiên, mỗi năm Chương trình mới được triển khai là phụ huynh lại “bàng hoàng” trước giá SGK. Đơn cử như năm học tới đây, giá sách lớp 3,7 và 10 đã tăng gấp đôi so với giá hiện hành.

Điều này ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá. Và cũng thể hiện Nhà nước không có cơ chế kiểm soát giá SGK ngay cả khi các Nhà xuất bản kê khai giá cao làm ảnh hưởng đến người dân.

Trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Việc này được đánh giá là vấn đề cấp bách, tránh gây tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh.

Trao đổi nhanh với Người Đưa tin, TS.Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đánh giá: “Các Nhà xuất bản cho rằng việc đầu tư in ấn, quảng cáo, biên soạn,…phải lấy vào giá SGK là không hợp lý. Không nên có chuyện xem xuất bản SGK là hoạt động kinh doanh lấy lãi, như vậy không đúng với tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Theo chuyên gia, vì là hàng hóa đặc biệt, các Nhà xuất bản phải chấp nhận bù lỗ sau đó là tăng dần qua từng năm. Nếu ngay lập tức để lấy thu bù chi từ đầu thì quan điểm đó không phù hợp đối với mặt hàng SGK.

Sáng 25/5, thảo luận tại phiên họp tổ 1 của Quốc hội, trước nhiều ý kiến của các ĐBQH về các bất cập trong đổi mới sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những giải thích làm rõ.

“Các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Nhà suất bản Giáo dục năm nay với sự chỉ đạo rất ráo riết đã giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên”, ông Sơn bày tỏ.

Còn nếu so với các bộ sách cũ, ông Sơn cho đó là các sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định. Tức là những phần đã được nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến