Dòng sự kiện:
Bộ Giao thông xin tạm ứng vốn cho dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên
08/12/2018 06:00:52
Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giải quyết tạm ứng vốn cho TP HCM để tiếp tục triển khai dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và đảm bảo việc thanh toán cho nhà thầu.

Khởi công tháng 8/2012, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Đây là dự án được xem là hiện đại nhất thành phố với vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng.

Ban đầu công trình dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2017 nhưng do vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thiếu vốn khiến thời gian hoàn thành tuyến metro số 1 tiếp tục đến năm 2020.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành khoảng 56% khối lượng nhưng đang đói vốn.

UBND TP HCM cho biết để vận hành đúng kế hoạch vào năm 2020, trong giai đoạn 2016 - 2020, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có nhu cầu vốn khoảng 28.000 tỷ đồng, nhưng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch - đầu tư chỉ bố trí cho dự án được 7.500 tỷ đồng. Thực tế này đẩy dự án vào tình trạng đói vốn 20.500 tỷ đồng.

Dù dự án đặt mục tiêu đưa vào vận hành năm 2020, nhưng đến nay tiến độ giải ngân dự án vẫn hết sức khiêm tốn, phần giải ngân vốn ODA mới đạt 13.969 tỷ đồng (33% tổng vốn), vốn đối ứng trong nước đạt 1.465 tỷ đồng (đạt 27% tổng vốn).

Năm 2018, dự án metro số 1 vẫn chưa được Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp phát vốn ODA do vướng mắc thủ tục pháp lý, Quốc hội chưa xem xét, thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Để đảm bảo tiến độ thi công dự án metro số 1, UBND TPHCM đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng, cho đến nay đã giải ngân được 220 tỷ đồng. Tính từ cuối năm 2016 đến nay, UBND TPHCM đã tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Hiệp định vay số 2 ngày 30/3/2012 hết hạn vào ngày 31/10. Do dự án không được ghi vốn kế hoạch vì đang thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư nên việc giải ngân số vốn còn lại của Hiệp định vay là 8.766 triệu Yên Nhật, chiếm 20% là khó thực hiện.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị, trong khi chờ Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giải quyết tạm ứng vốn cho Thành phố để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu. Đồng thời, kiến nghị giải quyết dứt điểm về hạng mục và giá trị vay lại của dự án.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị UBND TP HCM khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có văn bản gửi JICA và Đại sứ quán Nhật Bản để đề xuất gia hạn Hiệp định vay.

Mới đây, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio đã gửi thư tới Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP HCM, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến metro số 1.

Ông cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11).

Ông cho rằng áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, đồng thời nêu quan ngại rằng nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.

Tại cuộc họp báo chiều ngày 3/12, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết thư của đại sứ Nhật gửi cho TP HCM và có gửi cho Thủ tướng nêu câu chuyện lo ngại nếu để lâu thì việc thanh toán nhà thầu sẽ khó khăn, nhưng tinh thần là số tiền 17.388 tỷ đồng đến nay đã giải nhân được 13.630 tỷ đồng, đạt 52% tổng mức đầu tư ban đầu. Như vậy số nợ của nhà thầu như thư của Đại sứ là có nhưng không phải là quá nhiều.

Liên quan đến việc tăng tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt đô thị nói chung và dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, trong một báo cáo mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra hàng loạt nguyên nhân như kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm chi phí.

Nguyên nhân thứ hai là do biến động giá của nguyên, nhiên vật liệu và tăng lương tối thiểu. Thông thường, thời gian thực hiện công tác thiết kế dự án và phê duyệt thiết kế, đấu thầu thi công mất trung bình 2 năm kể từ khi ký Hiệp định vay. Trong thời gian này, sự biến động giá của nguyên, nhiên vật liệu và điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo quy định đã dẫn tới việc tăng tổng mức đầu tư.

Nguyên nhân thứ ba là tăng khối lượng xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hiện nay, Việt Nam chưa có các quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của dự án chủ yếu dựa trên suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang xây dựng tại châu Á nên không đạt được độ chính xác tin cậy dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến