Dòng sự kiện:
Bộ GTVT đề xuất người tham gia giao thông phải bật đèn cả ngày để... giảm tai nạn
09/05/2020 21:30:52
Đại diện Bộ GTVT cho rằng quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm… tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông, từ đó giảm tai nạn giao thông.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, dự luật bổ sung nhiều quy định mới. Một trong những quy định gây nhiều tranh cãi là các phương tiện tham gia giao thông phải bật đèn cả ngày.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có điểm quy định các phương tiện tham gia giao thông phải bật đèn cả ngày.

Khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm… tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông.

Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông.

Theo quy định hiện nay của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019, người điều khiển xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng…) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

Không chỉ gây tranh cãi về quy định bật đèn cả ngày để tăng nhận diện, dự thảo này còn đang gây nhiều ý kiến trái chiều về quy định với trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại.

Như Người Đưa Tin Pháp Luật đã đưa trước đó, Điều 13 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) về tín hiệu đèn giao thông quy định, tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao.

Tín hiệu đèn đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

Tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp.

Như vậy, với quy định tại Dự luật mới, nếu được thông qua thì trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại. Nếu cố vượt có thể bị xử phạt. Thay vì các xe vẫn cố vượt qua vạch dừng khi đèn xanh bất kể nút giao ùn tắc và không bị phạt như quy định hiện hành.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người lái ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng hoặc tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng nếu vượt đèn vàng mà gây ra tai nạn giao thông.

Còn người chạy xe máy có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt từ 600.000 đến 1.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Trong khi đó, theo điểm L khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến