Dòng sự kiện:
Bộ GTVT tham vấn địa phương về việc mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
02/05/2024 13:11:26
Dự án xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để khởi công trong năm 2024.

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc lấy ý kiến đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Theo đó, để đảm bảo trình tự, thủ tục và cơ sở pháp lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND 2 tỉnh nghiên cứu và có ý kiến tham gia nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả dự án.

Các nội dung được Bộ GTVT xin ý kiến gồm: sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch liên quan của địa phương theo quy định của pháp luật đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của địa phương; sự cần thiết đầu tư và sự phù hợp về mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến và các nội dung khác có liên quan.

Do Dự án có tiến độ gấp, nên Bộ GTVT đề nghị UBND 2 tỉnh có ý kiến tham gia gửi về Bộ GTVT trước ngày 6/5/2024. Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh gửi đầy đủ Hồ sơ và phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương trong quá trình thực hiện; đồng thời, có ý kiến tiếp thu, giải trình và gửi về Bộ GTVT để triển khai các bước tiếp theo.

Trước đó, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Dự án có phạm vi nghiên cứu với điểm đầu - Km0 (Cam Lộ), trùng với Km10+380, Quốc lộ 9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối - Km102+200 (La Sơn), trùng với điểm đầu Dự án cao tốc La Sơn - Hòa Liên, thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chiều dài tuyến đường thuộc Dự án khoảng 98,35 km (trong đó chiều dài tuyến qua tỉnh Quảng Trị khoảng 36,3 km, Thừa Thiên Huế khoảng 62,05 km).

Được biết, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn giai đoạn phân kỳ được đưa vào khai thác từ năm 2023. Trong đó, đối với các đoạn tuyến quy mô 2 làn xe, có bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m; các đoạn nền đào sâu có quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường 23,25, bề rộng mặt đường 11m. Các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23,25m, bề rộng mặt đường 21,25 m. Riêng phạm vi tuyến cầu Tuần có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m, mặt đường rộng 21,5 m.

Tuyến còn có 38 cầu, trong đó có 4 cầu đã làm hoàn thiện theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, 34 cầu quy mô phân kỳ 2 làn xe.

Trên cơ sở hiện trạng tuyến, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị giữ nguyên tiêu chuẩn kỹ thuật, tim tuyến hiện trạng đã được nghiên cứu và xây dựng trong Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện đầu tư mở rộng nền mặt đường và các công trình trên tuyến, nút giao theo quy mô phân kỳ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường 22 m, chiều rộng mặt đường 20,5 m; thực hiện đầu tư mở rộng 34 cầu trên cao tốc đảm bảo quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh.

Do tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh. Vì vậy, trong giai đoạn này, Dự án chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng bổ sung đối với các nút giao liên thông kiến nghị đầu tư, trung tâm quản lí điều hành, đường kết nối, vị trí quay đầu xe tại các trạm cân và hệ thống đường gom dân sinh, đường hoàn trả kết nối dân sinh.

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng chi phí xây dựng và thiết bị là 5.437 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2024 đến năm 2025. Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư dự án từ nguồn ngân sách nhà nước, sơ bộ nhu cầu giải ngân vốn năm 2024 là 1.700 tỷ đồng, năm 2025 là 5.000 tỷ đồng, năm 2026 là 300 tỷ đồng.

Tác giả: Bảo Như

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến