Dòng sự kiện:
Bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh
27/11/2015 17:33:08
ANTT.VN - Với tỷ lệ tán thành trên 84%, sáng 27/11, Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi. Trong bộ luật Hình sự sửa đổi chấp nhận bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh.

Tin liên quan

Theo dự thảo bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được thông qua, Quốc hội chấp nhận bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh, gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Quốc hội thông qua việc bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh

“Quy định này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm hình phạt tử hình nhằm bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp”, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Một trong những quy định mới cũng được đưa ra tại bộ luật Hình sự lần này là tội phạm chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng sẽ thoát án tử hình. Cụ thể, tại điểm c, Điều 40 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Một điểm đáng chú ý khác trong Bộ luật Hình sự sửa đổi là không tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.

Ngoài ra, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng là nội dung mới được chấp nhận trong lần sửa đổi này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. "Việc bổ sung là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật", ông Nguyễn Văn Hiện lý giải.

Bên cạnh đó, Bộ Luật Hình sự sửa đổi có một điểm rất được dư luận chú ý trong bộ luật được thông qua lần này là quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phát phiếu lấy ý kiến đại biểu.

Kết quả cho thấy, 45,95% đại biểu tán thành với phạm vi bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung như dự thảo; 34% đại biểu đề nghị chỉ bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong trường hợp bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc đối với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo là cần thiết.

Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm tiến hành điều tra khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Tiếp thu đa số ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như dự thảo: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”. “Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Tuy nhiên, để thực hiện quy định này cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về trình tự, thủ tục việc bảo quản, sử dụng, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời do phải có thời gian để đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ thì cần có lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình.

Vì vậy, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đã Giao cho Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục việc thực hiện, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình việc hỏi cung trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật này.

Giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1/1/2017. Chậm nhất đến 1/1/2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. Nghị quyết cũng giao Chính phủ đầu tư kinh phí để bảo đảm việc thực hiện các quy định về chỉ định người bào chữa, ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, thực hiện việc sao chép, số hóa tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự, giám định tư pháp và hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến