Chờ cơ chế giá mới
Dự án chưa kịp vận hành thương mại (COD) khi giá FIT cho điện gió đã hết hạn vào 31/10/2021, ông Trịnh Đức Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Viên An Cà Mau nóng lòng chờ đợi cơ chế giá tiếp theo cho những dự án điện gió.
“Dự án triển khai đúng vào đợt Covid-19 bùng phát mạnh nhất, nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc để có thể đến công trường tương đối khó khăn. Việc vận chuyển tuabin từ nước ngoài về thì phải qua rất nhiều khâu kiểm dịch. Để kiểm soát được thiết bị thì cần con người, nhưng việc đưa cán bộ kỹ thuật vào tương đối khó khăn do tỉnh có những quy định gắt gao”, ông Trịnh Đức Trường Sơn nêu một số lý do khiến dự án không kịp COD.
Điện gió đã thu hút nhiều nhà đầu tư với cơ chế giá FIT
Cùng tình cảnh với Viên An, nhiều chủ đầu tư thuộc diện này đang hồi hộp chờ Bộ Công Thương ban hành cơ chế mới.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty CP Hạ tầng Gelex đặt câu hỏi cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): "Tôi thấy trước đây có dự thảo có cơ chế về đàm phán giá điện đối với năng lượng tái tạo và sẽ áp dụng cho các dự án đã có chủ trương đầu tư, hoặc dự án lớn như điện gió ngoài khơi (offshore), dự án điện gió trên bờ lớn (onshore)... Tuy nhiên, gần đây khi bàn về đấu thầu, tôi không thấy đề cập tới chính sách đàm phán giá điện. Vậy liệu có hay không cơ chế về đàm phán giá điện dự kiến và nếu có thì được áp dụng cho trường hợp nào?".
Thế nhưng, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện của EVN, cũng không có câu trả lời khi đây là công việc thuộc về chức năng của Bộ Công Thương.
Ông Khoa chia sẻ: "Chúng tôi không muốn trình bày nhiều về các cơ chế mà Bộ Công Thương đang xây dựng. Thực ra, chúng tôi mong muốn cơ chế đấu thầu, kèm theo đàm phán phải tiến bộ hơn so với cơ chế FIT. Hiện nay, nó chưa rõ ràng.
Với năng lượng truyền thống, chúng tôi đang thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư như Luật đầu tư mới, sau đó chủ đầu tư đàm phán giá trực tiếp với EVN. Đối với năng lượng tái tạo, chúng tôi cũng định đi theo phương án đó. Nhưng hiện tại, mọi thứ chưa rõ ràng. Nếu áp dụng phương án này quá trình sẽ không nhanh như cơ chế FIT ban đầu".
“Với nguồn điện truyền thống, theo Luật Đầu tư mới, có hai bước gồm lựa chọn chủ đầu tư thông qua đấu thầu, sau đó chủ đầu tư đàm phán với EVN. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế tương tự đối với năng lượng tái tạo. Tức là, vòng đầu sẽ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, nhà đầu tư nào chào giá thấp nhất thì được chọn và đó là giá trần để đàm phán với EVN. Tuy nhiên, phương án này chưa chính thức”, đại diện EVN nói.
Gần 4.000MW điện gió đã kịp vận hành thương mại
Chưa biết sắp tới ra sao
Kịp vận hành thương mại 5 dự án điện gió với công suất 140MW ở Quảng Trị, nhưng nhìn lại những gì đã trải qua và thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Long vẫn nhấn mạnh “rủi ro rất lớn” khi không dự báo được cơ chế mới cho các dự án năng lượng tái tạo.
“Đối với nhà đầu tư, điều này rất quan trọng. Bởi ra quyết định đầu tư phải lên một bài toán và đặt ra các kịch bản. Dù có chuẩn bị tốt, người ra quyết định đầu tư vẫn phải đặt ra giả định rằng sau thời điểm đó, nếu như không đạt thì sao, đó là khoảng trống mà người ra quyết định đầu tư không trả lời được”, ông Long chia sẻ và cho rằng, khi đó gần như nhà đầu tư phải chấp nhận dựa vào “may mắn” và “niềm tin vào người làm chính sách”, rằng sẽ có cơ chế để nhà đầu tư “sống được”.
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị sớm ban hành cơ chế đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo các bước: Xác định khối lượng cần đầu tư xây dựng các dự án điện trong từng năm, theo từng vùng, miền nhằm tránh quá tải cho các đường dây; Các dự án điện mặt trời không nên tập trung quá lớn tại một hoặc một vài địa điểm nhằm tránh quá tải cho lưới điện; Các dự án được chọn trên cơ sở giá đề xuất từ thấp đến cao cho đến khi đủ công suất theo yêu cầu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo chia sẻ: Nhà đầu tư bất an, lo lắng vì phát sinh những việc ngoài tầm kiểm soát do bản thân ngành, do các yếu tố bất định không lường trước. Nếu Chính phủ quyết tâm thúc đẩy điện gió thì cần hành động sớm để các nhà đầu tư xác định rõ tiền đầu tư đem lại hiệu quả ra sao.
Số liệu của EVN cho thấy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.755,5 MW gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD), đến hết 31/10, đã có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.298,95 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD. Tính cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vận hành từ trước thì trong hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 84 nhà máy điện gió, với tổng công suất 3.980,27 MW, được công nhận vận hành thương mại COD. |
Tác giả: Lương Bằng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy