Dòng sự kiện:
Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên Internet
23/05/2019 16:00:49
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến và chỉnh lý theo hướng, dự Luật không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử.

Sáng 23/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho hay dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 36 điều, ít hơn 2 điều so với dự thảo do Chính phủ trình tại kỳ họp cuối năm 2018 và có nhiều điểm mới.

Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet

Theo bà Thúy Anh, tại kỳ họp trước, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử; tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý theo hướng, dự Luật không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử.

Dự Luật cũng được chỉnh lý theo hướng chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên; cấm khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm sử dụng rượu từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ảnh: Quốc hội

Tổ chức, cá nhân khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; truyền hình không được quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn từ 19h đến 20h hằng ngày.

Dự Luật cũng quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh, chủ phương tiện thực hiện các biện pháp để tài xế không sử dụng rượu, bia khi lái xe.

Thảo luận trên hội trường sáng 23/5 về dự luật, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm băn khoăn, lo ngại khi hầu hết chế định mạnh kiểm soát rượu, bia đã bị bỏ ra ngoài.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng các chế định được xem là xương sống như cấm quảng cáo rượu bia, cấm bán rượu bia trên internet hay quy định giờ cấm bán bị đẩy ra ngoài làm cho những vấn đề đặt ra tại kỳ họp thứ 6 nhiều lần giải trình nhưng chưa thỏa đáng, thiếu thuyết phục.

“Thực trạng phổ biến độ tuổi tiếp cận Internet ngày càng trẻ hóa thì bỏ chế định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet có phải là vẽ đường cho hươu chạy? Thật lạ là báo cáo giải trình chỉ đề nghị cân nhắc điều cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các DN mà quên cân nhắc nguy cơ, tác hại đến trẻ em-  một đối tượng yếu thế của xã hội” – vị đại biểu đoàn Bình Dương băn khoăn.

Đại biểu này cũng đặt vấn đề: Điều kiện chưa đảm bảo, lại cho phép bán bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát không thể hữu hiệu thì đây là sự mâu thuẫn, cài cắm hay thiếu sót về kỹ thuật lập pháp.?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm.

Nữ đại biểu bày tỏ băn khoăn về nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật mới nhất. “Liệu nó đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên hay chưa”, bà Hiền đặt câu hỏi.

Với quy định về quảng cáo, theo bà Hiền, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.

Đối với biện pháp hạn chế, kiểm soát trẻ em mua rượu bia, nữ đại biểu cho biết bất ngờ khi dự thảo này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet.

Đại biểu này nhấn mạnh không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%

“Dự luật lần này có thể hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp nhưng có lẽ chưa hoàn chỉnh cả về tư duy và trách nhiệm trong sứ mệnh chăm lo sức khoẻ nhân dân” – ông Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm và nhấn mạnh bản chất phải phục vụ nhân dân chứ không phục vụ bất cứ nhóm lợi ích nào khác. Do đó đề nghị rà soát, điều chỉnh quy định ngưỡng độ cồn từ 4-5 độ thay vì từ 5,5 độ như dự thảo.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh: “Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của dự Luật lần này, so với xu thế chung đã gần như đi ngược với “ khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người”, vô tình xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng nhưng có vẻ chủ ý bắt nhịp kịp thời với sự phát triển nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu bia”.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phú yên. Ảnh: Quốc hội

Vị đại biểu đoàn Phú Yên nêu thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%, đây cũng là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên. Chúng ta không thể “hồn nhiên” loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại “hăm hở” đưa vào các điều “cấm” mà thực tế lại không diễn ra.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến